Liên kết “chuyên nghiệp”
Năm 2004, với sự góp mặt chính thức của ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM)
cùng nhiều hình thức đào tạo, trong đó có hình thức bán du học, đã
đưa trường này trở thành một địa chỉ qui tụ nhiều chương trình liên
kết nhất. Sau chuyến làm việc tại Vương quốc Anh, GS Phan Quốc
Khánh, hiệu trưởng trường này, cho biết bốn trường ĐH của Anh là
Cambridge, East London, Westminster và Brunel trở thành những đối
tác đầu tiên của trường sau ngày thành lập.
Thỏa thuận giữa ĐH Quốc tế và các trường ĐH trên cho phép trường
tuyển sinh các ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, điện
tử - viễn thông và công nghệ sinh học. Điều kiện cụ thể sẽ được
trường chính thức thông báo trong thời gian tới nhưng, theo GS
Khánh, đối tượng chính vẫn là HS đã tốt nghiệp THPT.
Cũng theo nguồn tin từ trường này, năm 2004 trường cũng bắt đầu tiếp
nhận để tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác du học Mỹ, chương
trình mà Trung tâm Đào tạo quốc tế của ĐHQG TP.HCM đã thực hiện
trong bốn năm qua. Thực hiện chương trình này, ĐHQG TP.HCM liên kết
với các trường ĐH Houston - Clear Lake, Victoria và các trường ĐH
trong hệ thống ĐH bang Oklahoma để đào tạo hai ngành công nghệ thông
tin và quản trị kinh doanh.
Đối với bậc ĐH, chương trình tuyển những HS đã tốt nghiệp THPT có
điểm TOEFL từ 500 trở lên. Giai đoạn 1, SV sẽ học 54-64 tín chỉ
khoảng hai năm tại ĐHQG TP.HCM. Sau khi đã hoàn tất, nếu đạt từ 550
điểm TOEFL SV sẽ được chuyển tiếp sang học giai đoạn 2 tại các
trường ĐH của Mỹ. Bà Tô Thu Thủy, người phụ trách chương trình này,
cho biết hầu như chưa có trường hợp SV nào gặp khó khăn khi xin cấp
visa.
Đặc biệt, hệ dự bị của chương trình này còn tạo thêm cơ hội cho
những HS chưa đủ điều kiện về tiếng Anh. Do vậy, những học sinh đủ
điều kiện xét tuyển nhưng chỉ đạt từ 450 đến dưới 500 điểm TOEFL có
thể được tuyển vào học hệ dự bị với chương trình chính là tiếng Anh
và dự thính một số môn chuyên ngành.
Một địa chỉ khác cũng có “thâm niên” trong lĩnh vực liên kết đào tạo
bán du học bậc ĐH là ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). Trường này đã tiến
hành chương trình liên kết đào tạo với hai trường ĐH của Úc là
Tasmania, New South Wales và một số trường ĐH khác của Mỹ, New
Zealand để đào tạo các ngành kỹ sư điện - điện tử - viễn thông, cơ -
điện tử, kỹ thuật hệ thống máy tính, xây dựng, kỹ thuật hóa học, cơ
khí và vật liệu mới.
Về điều kiện tuyển sinh, yêu cầu của chương trình này không quá khắt
khe. Chỉ cần tốt nghiệp THPT, đã tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH khối A
hay khối B là có thể đăng ký xét tuyển vào chương trình này. Vì
chương trình dành một năm để bổ sung tiếng Anh cho SV nên những thí
sinh có chứng chỉ B Anh văn hay 400 điểm TOEFL là có thể đáp ứng yêu
cầu về ngoại ngữ khi tham gia xét tuyển.
Không phải đóng học phí khi vào chuyên ngành
Năm 2004 là năm đầu tiên ĐH Sư phạm TP.HCM bắt đầu tuyển sinh chương
trình bán du học được tiến hành qua việc liên kết với các trường ĐH
của Cộng hòa Czech là Ostrava, Kỹ thuật Ostrava và Tomas Bata. Đặc
điểm của chương trình này là thời gian dành cho giai đoạn học tại VN
rất ngắn. Phần lớn thời gian SV sẽ học tại Cộng hòa Czech.
Số chuyên ngành đào tạo của chương trình này khá phong phú. SV có
thể lựa chọn một chuyên ngành trong các lĩnh vực: kỹ thuật, quản trị
và kinh tế, công nghệ truyền thông, nghệ thuật, nhân văn, sư phạm,
khoa học tự nhiên, y tế công cộng, kỹ thuật công trình, cơ khí, điện
tử và khoa học máy tính, mỏ, địa chất, luyện kim để đăng ký xét
tuyển.
Đây cũng là một trong những chương trình liên kết có điều kiện xét
tuyển khá đơn giản. Thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT với mức học lực
từ trung bình, hạnh kiểm khá trở lên là có thể dự tuyển.
Ông Hoàng Văn Mỹ, phó trưởng phòng quan hệ quốc tế của ĐH Sư phạm
TP.HCM, cho biết: “Chương trình không đặt ra yêu cầu về ngoại ngữ vì
nội dung này SV sẽ được học trong năm 1 của chương trình. Sau khi đã
được học tiếng Czech và tiếng Anh, nếu đủ điều kiện vào học giai
đoạn chuyên ngành thì từ 3-5 năm sau đó SV sẽ không phải đóng bất cứ
khoản học phí nào”. (Tuy nhiên, chi phí cho chuyến đi và năm đầu
tiên là 5.500 USD).
Bên cạnh đó, chương trình liên kết với các trường ĐH của Trung Quốc
đã được ĐH Sư phạm TP.HCM tiến hành trong gần bốn năm qua cũng sẽ
tiếp tục tuyển sinh trong năm 2004 này. Các chuyên ngành đào tạo mà
SV có thể chọn khi đăng ký xét tuyển vào chương trình là tiếng Trung
Quốc, song ngữ Hoa - Anh, khoa học tự nhiên, công nghệ, y học cổ
truyền Trung Quốc. Để đăng ký dự tuyển, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp
THPT từ trung bình trở lên và có hạnh kiểm khá là đủ, không đòi hỏi
nào về điều kiện ngoại ngữ.
Nếu muốn tìm một chương trình bán du học bậc ĐH ở nhóm ngành khoa
học xã hội và nhân văn thì không thể không kể đến chương trình liên
kết của ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) với ĐH La Trobe (Úc). Chương trình
này được tiến hành từ năm học 2002-2003 và đến nay đã tuyển được hai
khóa.
Giai đoạn đầu, SV sẽ học các kiến thức về ngữ văn Anh, kiến thức cơ
sở và kiến thức tiền du học tại ĐH KHXH&NV. Giai đoạn hai, nếu đủ
điều kiện về chương trình học và đạt được 6.0 điểm IELTS, SV sẽ được
chuyển tiếp sang học tại ĐH La Trobe.
Tại đây, SV có thể chọn học một trong các chuyên ngành nhân học,
lịch sử nghệ thuật, văn học Anh, lịch sử, luật, ngôn ngữ học, triết
học, chính trị học và xã hội học. Điều kiện tuyển sinh của chương
trình này có cao hơn những chương trình khác nhưng cũng không phải
là quá cao. Tất cả HS đã tốt nghiệp THPT, có điểm TOEFL từ 450 (hoặc
IELTS 4.0) trở lên đều có thể dự tuyển.
Riêng những thí sinh có đăng ký dự thi khối D1 vào ĐH KHXH&NV nếu
đạt từ 6 điểm môn tiếng Anh trở lên và trong hai môn kia không có
môn nào dưới 3 điểm sẽ được miễn kiểm tra trình độ tiếng Anh.
8/04/04 Theo Tuổi Trẻ