Họ đã viết truyện ngắn như thế nào?

Tạp chí Tuổi Ngọc phỏng vấn  nhà văn Võ Hồng 

   

 

Ông đã viết truyện ngắn như thế nào ?

    Câu hỏi có thể hiểu theo hai cách :

    a) Vào trường hợp nào ông viết truyện ngắn ?

    b) Hãy nói phương pháp viết truyện ngắn của ông.

    a) Hồi học tiểu học, tôi không có năng khiếu đặc biệt gì về Việt văn hết. Hồi đó Pháp văn được coi là tiếng mẹ đẻ, được dùng làm chuyển ngữ, chúng tôi phải làm luận bằng Pháp văn hồi mới lên lớp nhì. Nhưng tôi có cái duyên may là được đọc tuần san Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Ích Hữu do môi giới người chị một anh bạn tôi. Lên trung học, giáo sư dạy Luận quốc văn một hôm có ban cho tôi một lời khen sau khi chấm bài luận : "Tôi nhận thấy có vài đóa hoa trong bài của anh". Tôi không sung sướng nhiều lắm bởi vài đóa hoa vu vơ nào đó, trong khi các bạn tôi lại tỏ ra vui vẻ một cách hăng hái thay tôi. Họ bày làm thủ báo (báo viết tay) và bắt tôi phải góp bài. Bài viết xong, một bản tôi đưa đăng trên báo nhà, một bản tôi gởi ra tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở phố Hàng Bông Hà Nội : Tòa soạn chẳng thư từ liên lạc gì với tôi hết, nhưng chừng một tháng sau tôi bỗng thấy bài đó được đăng. Ðầu đề của truyện là Mùa gặt. Dưới bút hiệu là Ngân sơn (Ngân Sơn là tên làng của tôi. Năm đó tôi học troisième année (tương đương với lớp Tám thời nay). Buổi chiều thấy bài mình và tên mình được đăng trên báo, tối đó tôi đi lang thang khắp các phố, đi đến mỏi chân. Sướng quá hóa dại. Ngồi trong nhà chịu không được. Mà đi thì rốt cuộc cũng chẳng làm biết làm gì. Ðó, tôi bắt đầu làm quen với thế giới truyện ngắn một cách khá ngớ ngẩn như vậy. 

    b) Thường, một truyện ngắn được khởi đầu bởi một hoàn cảnh nào đó : một sự việc xảy ra, một cảm xúc chợt đến... Người cầm bút xây dựng thêm nhân vật, tạo thêm tình tiết để câu chyện diễn biến hợp lý, tạo ra một cái gút và tìm cách để mở cái gút đó cho tự nhiên. Cái khó nhất là tìm cách mở gút (dénouement). Thiếu nó thì câu chuyện mất đi phần hấp dẫn, không thỏa mãn người đọc. Phương thức viết truyện ngắn cổ điển là vậy. Có truyện tôi viết ra được đến hai phần ba rồi bỏ đó vì không tìm ra một cái mở gút nào cho tự nhiên. Tôi bỏ mặc đó hai hay ba tháng, một hay hai năm. Rồi bỗng vào một lúc bất ngờ có một việc chi xảy đến mình chợt thấy rằng nếu đem sự việc đó ghép vào câu chuyện dở dang kia có được đoạn kết. Ví dụ truyện Trả thù. Tôi viết nó vì một hôm thấy cái đam mê bủn xỉn của một người đàn ông ngồi két thay vợ, chậm rãi chọn những giấy bạc bẩn và rách để thối lại cho khách hàng. Nhưng viết đến đó rồi thì sáng kiến kẹt cứng. Mở gút như thế nào ? Tôi đành bỏ mặc đó. Ba năm sau nhân dịp đi chấm thi ở Quảng Ngãi tôi gặp một cô giáo sư cùng giám thị một phòng với tôi. Khuôn mặt đó, giọng nói đó, màu áo đó và cái hoàn cảnh mà cô tâm sự cho tôi nghe đã giúp tôi tìm đoạn kết cho câu truyện bỏ dở dang ba năm trước. Truyện Rồi cây trái sẽ chín cũng đòi hỏi một thời gian dài từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Thời gian không dưới bốn năm. Tôi không bao giờ vội vàng khi viết văn. Những đoạn quan trọng của truyện, nơi tập trung kịch tính, tôi viết đi sửa lại nhiều lần. Làm sao cho sự kiện được diễn ra thật rõ, thật linh động tự nhiên. Chúng quan trọng như những khớp xương cần cho bộ xương hoạt động nhẹ nhàng, dễ dàng.

    Viết truyện ngắn khó hơn hay viết truyện dài khó hơn. Nếu khó, như thế nào ? Nếu dễ, như thế nào ?

    Mỗi lối có cái khó riêng của nó, nhưng đem so với nhau thì một truyện dài viết hay phải khó hơn một truyện ngắn viết hay. Bởi lẽ dễ hiểu là truyện dài đã dài gấp 10 lần, gấp 20 lần thì người viết phải gặp khó ít nhất cũng đến 10 hay 15 lần. Cố nhiên là đây không nói đến trường hợp một truyện ngắn viết hay so với một truyện dài nhảm nhí. Một truyện dài có thể được ví với một thân cây rườm rà và một truyện ngắn là một cành được nhọn. Ðược chọn vì cành đó có cái dáng đẹp hay và có nhiều nụ hoa đẹp ở đây được ngưng tụ lại trong một diện tích nhỏ. Một truyện ngắn hay, ít nhất cũng có thể xem như một bức tranh có giá trị. Người họa sĩ sẽ chọn một góc của cảnh (tĩnh cảnh hay hoạt cảnh) một nét của người thể hiện nó ra bằng màu sắc. Người xem tranh xúc cảm, suy nghĩ, và bắt tư tưởng của họa sĩ. Họa sĩ đâu cần phải vẽ cả "một truyện dài bằng tranh". Huống chi so với một bức tranh vẽ thì truyện ngắn có khả năng đạo đạt tình cảm và tư tưởng đến người đọc hơn nhiều. Nhưng nói như vậy không phải chúng ta hạ thấp giá trị của truyện dài. Trái lại, truyện dài bao giờ cũng thể hiện đầy đủ tư tưởng của tác giả hơn. Nhưng truyện dài đòi hỏi công phu xếp đặt lâu hơn, vần mạch lạc, cần dài hơi... thế mà cuộc đời rộng lớn phức tạp cứ đập mạnh, đập tới tấp vào cảm quan người viết dưới nhiều vẻ khác nhau, trái ngược nhau nữa. Người viết thấy cần phải ghi lấy, cần phải nói lên, trong những trường hợp này thì thể truyện ngắn là thể thích hợp nhất để họ nói ý nghĩ của họ. Không ai chối cãi là thể truyện ngắn thật quá ngắn để nói hết tư tưởng. Nhưng bình tâm mà xét thì biết bao nhiêu mới hết ? Người viết truyện ngắn có tài và người viết truyện ngắn thông minh đều cùng cảm thông với nhau rằng : truyện ngắn giống như băng sơn (iceberg), phần nổi trên bể của một băng sơn thường chỉ là một phần mười của toàn khối. Chín phần mười giấu ở dưới mặt nước. Thấy một phần mười mà biết được cả mười phần, đọc truyện ngắn như vậy không thú sao ?

   Theo ông, những nhà văn Việt Nam nào viết truyện ngắn hay nhất, xin kể vài tác giả và tác phẩm của họ.

    Thời tiền chiến, trong nhóm Tự lực văn đoàn có Khái Hưng, Thạch Lam, trong nhóm Tân Dân có Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan. Thời hậu chiến, số nhà văn đông đảo hơn nên những người viết truyện ngắn hay cũng nhiều hơn. Bạn mới tập viết có thể học cách bố cục tình tiết một truyện nơi ông Bình Nguyên Lộc, ông Nguyễn Mạnh Côn, ông Hoàng Hải Thủy, học cách phân tích tâm lý nơi ông Võ Phiến, ông Dương Nghiễm Mậu, ông Nguyễn Ðình Toàn, học cách sử dụng ngôn ngữ nơi bà Túy Hồng, ông Mai Thảo, ông Sơn Nam. Ðó là những nhà văn trong danh sách Tuổi Ngọc đã chọn để phỏng vấn lần này. Còn nhiều vị viết hay nữa, mỗi người một vẻ.

    Truyện ngắn nào của ông được ông ưng ý?

    Thiệt khó mà nói đích xác mình ưng ý nhất truyện nào của mình. Bình thường mỗi truyện mình yêu một cách. Truyện Bên đập Ðồng Cháy được coi như có kỹ thuật vững. Truyện Con suối mùa xuân bâng khuâng dịu dàng như một dòng suối mát. Truyện Trầm mặc cây rừng làm tôi nhỏ mắt ngậm ngùi.

    Trong một cuốn sách bàn về nghệ thuật viết văn, ông Nguyễn Hiến Lê đã viết, đại ý : truyện dài là nhiều truyện ngắn kết hợp lại. Ông nghĩ sao ? Và từ câu trên, ông có chấp nhận định lý đảo : Truyện ngắn là một phần rút ra từ truyện dài ?

    Tôi chưa đọc cuốn sách nói trên của ông Nguyễn Hiến Lê nên chưa thể phê bình quan niệm của ông. Còn nếu căn cứ theo tóm tắt của Tuổi Ngọc rằng "... truyện dài là nhiều truyện ngắn kết hợp lại" thì tôi không đồng ý. Một truyện dài không thể là nhiều truyện ngắn kết hợp lại được. Cái định lý đảo có thể tạm chấp nhận được. Nhưng mà phải nói một cách khác. Ví dụ  "có thể rút từ truyện dài một đoạn để làm truyện ngắn". Có thể chớ không phải luôn luôn.

    Những người viết trẻ bây giờ thường thích viết truyện ngắn, ông có thể nói cho họ nghe một vài kinh nghiệm của ông ?

    Truyện ngắn, gọi đơn giản như vậy nhưng nó bao gồm nhiều thể, nhiều trường phái. Vậy kinh nghiệm của tôi thường chỉ giúp ích cho tôi thôi hoặc may ra thì có thể giúp chút ít cho bạn trẻ nào thích viết loại truyện ngắn như tôi vẫn thường viết.

    a)  Lúc mới tập viết, người viết thường hay chủ quan, nghĩ rằng câu chuyện của mình kể là hay lắm trong khi thực tế thì đến 80 phần trăm chuyện kể mang một nội dung nghèo, nhảm. Nữ sinh đệ nhất cấp thì ưa đưa ra hai nhân vật là hai cô bạn thân, rồi mẹ một cô bị bệnh, rồi cô kia lén ban đêm đến giúp thuốc men, rồi người mẹ lành mạnh, rồi hai cô cảm động cầm tay nhau. Nam sinh đệ Nhị cấp thì thường đưa ra một nhân vật nam thầm yêu một cô bạn của mình, rồi họ xa nhau, rồi họ bâng khuâng gặp lại nhau, vừa đủ để trao đổi một chút nghẹn ngào. Tôi nghĩ rằng nội dung câu chyện nên có một chút hấp dẫn nào đó, một sự khám phá nào đó (về tâm lý chẳng hạn).

    Những bạn mới viết chừng như không mấy chú ý mấy đến việc xây dựng cốt truyện, hoặc là họ thưởng thức cốt truyện của họ với nhiều chủ quan. Nhân vật thường là họ và người họ yêu. Họ chỉ kể lại chuyện gặp gỡ, chuyện nhớ nhung và chỉ bấy nhiêu đó thôi đã đủ đặt họ vào một không khí êm đềm sương khói, ấm áp ngọt ngào. Họ quên nghĩ rằng độc giả là kẻ xa lạ, lạnh lùng khách quan. Ðộc giả đòi hỏi tìm biết trong khi người viết đã thỏa mãn bằng những ý nghĩ và những kỷ niệm chủ quan của mình rồi.

    b)  Về hình thức phô diễn, - tức hành văn - một số bạn trẻ có vẻ coi thường, viết sao cũng được, miễn người đọc hiểu câu chuyện. Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi thấy các tác giả luôn tìm những hình ảnh phô diễn mới, những dụng ngữ mới.

    Có lần tôi muốn tả đôi mắt của nhân vật Annie (truyện Con suối mùa xuân). Tôi không chịu dùng chữ trong, chữ sáng, chữ long lanh một cách đễ dãi. Tôi loay hoay tìm một hình ảnh lạ, mới để mô tả. Không dễ đâu. Tôi thay đổi chỗ ngồi, bỏ bàn viết ra ngồi ở xa lông. Lúc đó cơn mưa vừa tạnh. Nền trời sáng. Tôi nhìn ra cửa sổ nơi có hàng cây mãng cầu và cây mận. Tôi nhìn những giọt nước đọng ở đuôi lá. Nhìn từ trong cửa sổ, giọt nước phản chiếu ánh sáng long lanh. Bất chợt tôi tìm ra được hình ảnh rồi. Tôi viết : "Annie ! Ðôi mắt long lanh như hai giọt nước treo ở đuôi lá na lá mận được nhìn qua ánh sáng của khung cửa sổ..."

    Một mùa hè tôi về Ðà Lạt nghỉ chơi vài tuần . Ðem khuya vắng lặng, lắng nghe hạt sương rơi lộp độp từ mái nhà xuống sân, tôi chợt liên tưởng đến những giọt nước mắt, đến đêm lạnh, đến nỗi cô đơn của tôi. Và tôi viết  : "...Sương từng giọt từ mái bếp tôn lộp độp rơi xuống mặt đất. Giọt nước mắt của Ðêm. Những người buồn chắc sẽ cô đơn khi Ðêm tối cùng chung chia giọt nước mắt của họ..." (Bên kia đường).

    Các tác giả đều là những kẻ khéo tạo ra hình ảnh, khéo pha chế ngôn từ. Funck Brentano tả một buổi chiều : "Sương chiều xuống. Những mảnh kính cửa ở từng gác cao các ngôi nhà dọc bờ sông và mặt trời chiều đã đốt cháy, lần lần tắt từng mảnh một và giải ánh sáng ở chóp các ngọn tháp nhà thờ Ðức Bà, cùng lúc càng nhạt và mỏng, lướt dần vào đêm..."

    Muốn có chi tiết độc đáo thì điều kiện trước tiên là phải quan sát, quan sát thật kỹ, vì chỉ quan sát thật kỹ mình mới tìm thấy đặc điểm của vật mình tả. Ðại văn hào Flaubert dạy đệ tử của ông rằng : "Khi anh đi qua trước một ông chủ tiệm chạp phô đang ngồi ngoài cửa, qua trước anh gác cổng đang hút thuốc, qua một bến xe ngựa, anh hãy tả lại ông ông chủ tiệm, anh gác cổng đó, hình thù, dáng điệu làm sao cho tôi khỏi lầm với một ông chủ tiệm nào khác , một anh gác cổng nào khác. Và bằng một chữ thôi, anh làm sao cho tôi phân biệt con ngựa kéo xe mà anh tả để tôi khỏi lẫn lộn với năm chục con ngựa đang chạy trước nó hoặc  chạy sau nó."

    Có bạn sẽ nói "Tôi chú trọng nghệ thuật vị nhân sinh chứ không chấp thuận nghệ thuật vị nghệ thuật ". Tôi xin thưa "Nhưng trước hết, bạn có nghệ thuật chưa ? Có nghệ thuật chưa để mà vị cái này hay vị cái khác?"

    c)  Ðối với các bạn nói giọng miền Nam, có một khó khăn khá lớn dành cho các bạn mỗi khi các bạn sắp đặt cho các nhân vật đối thoại với nhau. Các bạn thường có khuynh hướng để nhân vật nói giọng Bắc. Lối đó phổ thông quá mà! Ca sĩ hát giọng Bắc đã đành (giọng Bắc phát âm rõ, tương đối dễ nghe) đến mấy chữ "Xin cám ơn quí vị. Ðể đáp lại thịnh tình của quí vị tôi xin..." mà cũng phải trọ trẹ giọng Bắc. Diễn giả nói chuyện trọ trẹ giọng Bắc. Ðến cả các nhân vật trong truyện, một bà già ở miệt ruộng Sa Ðéc, một anh lính nhà quê ở Quảng Ngãi Ðồng Sơn mà cũng nhé, cũng chán quá cũng vâng ạ thì thật là ngọng nghịu vụng về. Các bạn nên viết văn đối thoại cho tự nhiên. Cũng nhớ tránh văn hoa, lai căng nữa. Tôi nhớ có đọc ở một nơi nào đó, một bà mẹ nhà quê thấy con gái trang điểm lộng lẫy liền ôm chầm lấy con mà khen : "Ồ ! Con của mẹ đẹp lộng lẫy quá. Ðẹp như một nàng công chúa vậy.". "Con của mẹ" chắc được dịch từ "ma fille". Không biết bao nhiêu là lỗi trong một câu nói như vậy.

    Khi mô tả, thuật sự ta phải tránh đường mòn lối cũ (chẳng hạn nói Xanh như tàu lá, chim hót véo von, trên vạn nẻo đường đất nước v.v...) còn khi viết đối thoại thì phải rập đúng y nguyên lối nói thông thường, sát đúng với hoàn cảnh tâm lý, giai cấp và địa phương của nhân vật đó.

    d)- Truyện của bạn viết xong gởi đi các tòa soạn mà không được nhận đăng, các bạn cũng đừng vội buồn, đừng vội nản lòng. Hãy kiên trì hơn nữa, đọc thêm các tác giả lớn (cả Việt Nam lẫn ngoại quốc), tập phân tích tâm lý thêm tinh vi, tập quan sát cảnh, vật, người thêm sâu sắc. Thành công quá sớm không phải là điều đáng mừng vì luôn luôn có những sơ hở khi mình chưa nhiều kinh nghiệm. Lời nói bay đi chớ chữ in thì cứ nằm sờ sờ ra đó. Muốn chối bỏ không được, muốn sửa lại cũng không được nữa. Con người mỗi tuổi mỗi thêm khôn. Ðiều viết ra hôm nay thấy hay, một năm sau thấy dở, ba năm sau thấy tệ. Mong các bạn nhớ cái thực tế đó để tránh vội vàng.

    Một hôm tôi vào dạy một lớp, thấy học sinh dùng cuốn sách giảng văn trong đó có trích văn của tôi. Tôi chợt lo lắng hỏi thầm : "Chẳng biết bài văn trích của mình có hay không ? Thực tế có còn hay như hồi mình mới viết, mình mới quan niệm không ?" Và tôi lo lắng thật sự. Tôi cho học trò chép bài học trên bản vào vở, lợi dụng thì giờ đó tôi mượn một cuốn Giảng Văn, đi xuống cuối lớp, lén mở đọc bài văn trích của tôi. Tôi hồi hộp, tim đập khá rộn. Mặc dù bài văn đã kinh qua sự chọn lựa của soạn giả, - mà tôi không quen, - nghĩa là có sự bảo đảm về vô tư, mặc dù cuốn sách được tái bản nhiều lần và mặc dù tôi đã gián tiếp hay trực tiếp biết rằng bài văn được nhiều giáo sư đem giảng ở lớp hoặc đưa cho học sinh làm bài tập dịch.