Thư Nantes

Vietsciences-Phạm Quang Tuấn      26/01/2005 

 

Chúng tôi đến Nantes vào một chiều cuối đông, đầu tháng hai, trên chuyến tàu cao tốc (TGV) từ Paris. Alain, bạn đồng nghiệp, đưa về căn apartment mà anh đã thuê giùm. Apartment nhỏ xíu, nhưng tiện lợi vì gần chợ, bus, tram và khu phố cổ.

Nantes, cách Paris gần 400km, trên giấy tờ là một thành phố khá lớn (thứ sáu của Pháp), nhưng vẫn mang cái vẻ êm đềm của một thị xã tỉnh lẻ. Không có nhà cao ốc, trừ tòa nhà chọc trời của Telecom trông rất chướng. Không có những khu phố hay shopping mới và nguy nga, rất ít siêu thị và magasins, mà hầu như toàn những căn tiệm nho nhỏ với một hay hai người bán hàng, bán tạp hóa, bánh kẹo, thực phẩm, quần áo, và vô số những tiệm ăn, bia và cà phê. Trong khu phố cổ, những con đường hẹp lát đá làm cho xe ngựa, nay người bộ hành đi cùng với những xe hơi, xe đạp len lỏi. Sừng sững giữa khu phố cổ là một nhà thờ cổ đồ sộ xây kiểu Gothic, to như Notre Dame ở Paris và trong mắt tôi thì đẹp hơn. Gần đó là thành quách của các vị Ducs de Bretagne, một thời là lãnh chúa của một tiểu quốc độc lập, với tường đá dày và hào nước bọc quanh, nay trở thành một viện bảo tàng. Nantes được người Pháp bầu là thành phố sống thoải mái nhất, dễ chịu và hiền hòa. Trong khi các ga xe lửa khắp nước đóng  cửa chỗ gửi hành lý sau vụ đặt bom ở Tây ban Nha, gây phiền hà không ít cho du khách, ga Nantes vẫn bình tĩnh cho gửi đồ như thường lệ.

Nantes nhìn từ sông Erdre, với nhà thờ lớn đồ sộ

Nantes ngày xưa đã từng là hải cảng lớn nhất của Pháp, sự phồn vinh xây dựng trên nghề buôn bán nô lệ cho Mỹ châu (người Pháp gọi tránh "món hàng" xấu số ấy là bois d'ébène – gỗ mun). Ngày nay thành phố dường như muốn quên cái quá khứ không mấy đẹp đẽ ấy nên ít nhắc tới trong các tài liệu du lịch! Thành phố xây trên một quần đảo gần cửa sông Loire (chúng tôi gọi đùa là sông Loe), nên có thời được gọi là Venise của Pháp, nhưng dần dần các sông rạch bị lấp đi để xây nhà, phố, nay chỉ còn một hòn đảo lớn, và các phụ lưu lớn của sông Loire (Erdre, Chezine) khi đi qua thành phố thì phải … nhịn nhục chui vào những ống cống lớn để chảy ngầm dưới khu phố chính trước khi nhập vào dòng Loire. Tuy nhiên nhiều khu phố vẫn mang tên là "đảo" và nhìn những con phố nhỏ chằng chịt chạy đủ mọi hướng, ta còn có thể tưởng tượng được sông  ngòi thời xưa với thuyền bè đi lại như một thị xã miền Hậu giang. Sang thời kỹ nghệ thì sản phẩm nổi tiếng nhất là bánh biscuit LU – hẳn nhiều người Việt Nam tuổi bọn tôi còn nhớ những hộp thiếc chữ nhật, rất tiện lợi để đồ kim chỉ, bút và những đồ lặt vặt khác sau khi bánh đã ăn xong, và nhớ ít nhất là hai câu đầu của bài thơ trên hộp:

Năm xưa còn thơ ngây

Bánh LU đem tặng thầy…

Hãng bánh LU "năm xưa" vẫn còn đó bên bờ sông, nhưng đã đổi thành một quán cà phê và trung tâm kịch nghệ với tên mới là Lieu Unique.

Bretagne

Thời trung cổ, Nantes là kinh đô của nước Bretagne, một vùng đất đầy huyền bí. Bán đảo Bretagne giáp với biển Manche xưa là một tiểu quốc của dân tộc Breton và Celt, họ hàng với các sắc dân trên quần đảo Anh (mà người Pháp gọi là Grande Bretagne). Người Celts đã một thời có một nền văn hóa trải khắp Âu châu nhưng rồi bị đế quốc La Mã đẩy lùi sang Anh. Nước Bretagne chỉ sáp nhập vào Pháp trong thế kỷ 15, khi lãnh chúa cuối cùng, Duchesse Anne, kết hôn cùng vua Pháp.

Họ có ngôn ngữ riêng khác hẳn tiếng Pháp. Tiếng Breton chỉ mới bắt đầu bị quên lãng khi chính phủ trung ương cấm dùng từ sau cách mạng 1789 với mục đích thống nhất quốc gia và xây dựng tinh thần dân tộc. (Trước cách mạng, chỉ có chừng 1/4 dân Pháp biết nói tiếng Pháp!) Có nhiều người còn nhớ những bảng "cấm khạc nhổ và nói tiếng Breton". Alain kể rằng thời cha mẹ anh ta đi học bị cấm nói tiếng Breton ở trường, Điều này làm tôi nhớ đến những ngôn ngữ địa phương khác ở Pháp – như Basque, Catalan ở miền Nam, chỉ sống sót nhờ những đồng bào ở Tây ban nha láng giềng.

Trước khi dân Celts đến vùng Bretagne thì đã có những dân tộc tiền sử để lại rất nhiều di tích thời đồ đá (4500-2000 bc), nhất là những đại thạch (megaliths) họ hàng với Stonehenge bên Anh: thạch tháp (menhir), thạch bàn (dolmens), cùng với những gò mả (tumulus) và kiến trúc bằng đá xếp (cairns) rải rác đây đó. Nhiều di tích khá vĩ đại. Ở Carnac, cách Nantes 150 km, chúng tôi còn thấy cả chục ngàn phiến đá tiền sử dàn thành những hàng lớp vô tận (hay đúng hơn là chừng 4 km). Tới gò mả Tumulus de St Michel ở Carnac dài 120 m, rộng 60m, cao 12m, trông tưởng là ngọn đồi nên người thế kỷ 19 đã xây ngôi nhà thờ trên đỉnh, về sau mới phanh phui ra những hang hốc,  hầm mộ tiền sử ở dưới. Tại Locmariaquer còn một phiến menhir đổ gãy, ước lượng chiều cao là 20 tới 30 mét, không hiểu người xưa dựng cái tháp "chọc trời" này làm gì và tại sao nó gãy đổ.

Manio menhir

Những di tích huyền bí này, cùng nền văn hóa Celt với những ông phù thủy Druids râu dài áo chùng, đã từng là những gốc mạch lớn trong văn hóa Anh-Pháp. Từ sự tích vua Arthur và các hiệp sĩ bàn tròn cho tới Lord of the Rings của JRR Tolkien và các tác phẩm của Chateaubriand, nhà văn Bretagne tiền phong của phong trào lãng mạn, đều lấy cảm hứng phần nào từ đó. Nhìn những dolmens và gò mả trong một cánh rừng âm u, phủ dưới lá vàng, rất dễ tưởng tượng đó là nơi giam cầm phù thủy Merlin hay nơi an nghỉ cuối cùng của tiên nữ Arwen trong Lord of the Rings. Những di tích này ngày nay được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nhưng có thời chúng bị dân địa phương đem làm hàng rào và tường đá!

Gò mả tiền sử với menhir trên đỉnh

Gốc tích Celt được dân Bretagne coi trọng và bảo tồn. Tháng 6, một buổi trình diễn nhạc dân tộc Celtique của dân Bretagne và các dân tộc họ hàng Ireland, Scotland, Wales tại vận động trường Beaujoire ở Nantes thu hút được 40 ngàn thính giả. Có thể nào tưởng tượng số khán giả tương tự đi nghe nhạc dân tộc Việt Nam không nhỉ?

Chuyên chở công cộng

Nantes có ba đường tram và rất nhiều đường bus chằng chịt khắp thành phố, giá đồng bộ 1 euro (nếu mua hai vé) đi được một giờ, tự do đổi xe. Mỗi trạm tram và bus có ghi bản đồ màu chi tiết của thành phố (chừng 1 m vuông) với tất cả các đường bus và tram, và có khoanh tròn đỏ "Vous êtes ici". Vì vậy, đi chơi trong thành phố - dù là đi bộ hay lái xe - hầu như không thể lạc đường, chỉ đi vài trăm bước là thấy một bản đồ. Bus và trams, cũng như xe lửa Pháp, rất đúng giờ - chỉ trừ trong giờ cao điểm có thể xe bus bị kẹt, còn  thì các phương tiện chuyên chở công cộng dường như không bao giờ sai nửa phút, giờ đi cũng như giờ đến. Không hiểu có phải nhờ European Union mà Pháp theo kịp được Đức về tính đúng giờ không. Xe lửa thì hầu hết rất mới, êm, nhanh và tiện nghi, không "cà rịch cà tang" như nhiều xe ở Úc.

Không có xe hơi, cuối tuần chúng tôi thường đi xe lửa – nhà chỉ cách ga mười phút đi bộ, xuyên qua vườn bách thảo là tới – ra các làng xã và thị trấn lân cận để đi dạo. Hầu như làng nào cũng thơ mộng, cũng có phong cảnh hay di tích gì đáng xem, từ lâu đài, thành trì hay nhà thờ cổ hay cối xay gió tới những di tích thời đồ đá, những khu phố cổ xinh xắn.

Giá cả

Đắt quá! Thứ gì cũng gấp rưỡi hay gấp đôi ở Úc. Trừ một thứ: rượu vang. Giá một chai rượu vang ngoài chợ thường khoảng dưới 2 euro (3.50 AU$) tới 4 euro. Vào siêu thị hay những cửa hàng thực phẩm nhỏ, chỗ nào cũng rượu la liệt. Dĩ nhiên rượu có tiếng thì đắt hơn. Không ngạc nhiên khi rượu rẻ và nhiều như vậy: đi khắp miền quê, thấy những vườn nho tới tận chân trời. Cách trồng nho cũng hơi lạ, nho bị tỉa tận gốc chỉ còn cao chừng ba tấc trên mặt đất.

Gốc nho

Khí hậu

Nantes, cũng như Paris, lạnh hơn Sydney nhiều. Cũng may, chúng tôi về qua Hà Nội nên đã quen lạnh và trang bị những cái áo coats rất ấm made in Vietnam. (Quả thật về lạnh buốt xương thì mùa đông Hà Nội là vô địch!) Cảnh mùa đông rất thú vị với những cây tỉa thành hình dạng kỳ quặc. Có lẽ người làm vườn Pháp luôn luôn ngứa ngáy tay chân, không gọt tỉa thì chưa thỏa mãn!

Cây ở ngọai ô Vertou

Mùa xuân năm nay tới muộn, tháng tư mà hãy còn lạnh. 21/3 là đầu mùa xuân, như thường lệ tối hôm đó Nantes tổ chức xe hoa đón xuân, nhưng trời mưa và lạnh buốt. Tuy nhiên, dân chúng chịu chơi (hay quá sốt ruột và muốn nhắc nhở chúa Xuân) kéo ra đứng đông nghịt hai bên đường. Chỉ tội nghiệp các cô hoa hậu ngồi co ro trên xe hoa lạnh cóng nhưng vẫn phải cố gắng cười thật tươi!

 

Carnival đón xuân

Để thỏa lòng mong đợi hơi ấm, người Nantes xoay ra… trồng chuối. Đầu tháng tư, cả thành phố đầy những chuối là chuối. Công trường Place Royale bỗng dưng trở thành Vườn Chuối. Nhìn những cây chuối chung quanh cái fontaine cổ với những bức tượng đặc biệt vẻ Âu châu, và đám người đi ngắm chuối co ro trong những chiếc áo lạnh, tôi đột nhiên cảm thấy vừa tức cười vừa thương cho dân xứ lạnh!

 

Vườn chuối Place Royale

Bù lại, mới chớm chút hơi ấm thì hoa đủ lọai nở vô cùng rực rỡ, vùng Blue Mountains hay cao nguyên phía nam của Sydney không thể bén gót. Cây lớn thì đẹp nhất là anh đào trắng, anh đào Nhật và magnolia. Nantes là một cái nôi magnolia của Âu châu và có cây magnolia già nhất Âu châu.

 

Anh đào

Hoa dại cũng rực rỡ. Nhiều cánh đồng cỏ như những tấm thảm xanh dệt cúc trắng hay cúc vàng. Đặc biệt không thấy ở Úc là những hoa coquelicot dại (poppy) đỏ chói, được các cựu chiến binh Úc lấy làm biểu tượng để nhớ những chiến trường Âu châu trong thế chiến. Bên Úc, cứ đến ngày cựu chiến binh, họ lại bán hoa coquelicot làm bằng vải để gây quỹ. Nhìn những cánh đồng đỏ thắm, tôi nhớ đến bài hát phản chiến nói về những bông hoa vào tay các cô gái, các cô gái vào tay các chàng trai, các chàng trai ra trận đi vào lòng đất, để cho đất lại nảy hoa:

 

Where have all the flowers gone

Long time ago…

Where have all the flowers gone

Gone to young girl every one

When will they ever know?

When will they ever know?

 

Cánh đồng hoa dại coquelicots

Ăn, hút

Cũng như dân Việt và rất khác dân Anh, Mỹ, người Pháp rất coi trọng sự ăn uống, hưởng thụ. Trong các sách vở, tài liệu du lịch luôn luôn có một phần quan trọng dành cho các món ngon vật lạ của địa phương, từ những món cầu kỳ tới những món căn bản như bơ và ngay cả muối. Vùng Bretagne có muối Guérande là một loại muối hơi đen, được tiếng là thơm ngon! Và dĩ nhiên, phó mát thì không thể không nói tới. Bánh mì thì khỏi nói, ngon tuyệt vời. Tiệm ăn đếm không xuể, dân Pháp mê thích ngồi ăn uống ngoài vỉa hè giữa "ông đi qua bà đi lại", thậm chí bày bàn ngồi cả ra đường của xe hơi. Đi vào những supermarché nhỏ, cũng chóng mặt với những của ngon vật lạ đủ loại.

 

Ăn uống ngòai đường lộ

Nhưng một hậu quả của văn hóa ẩm thực cao của Pháp là ít những tiệm ăn ngon thuần túy của các dân tộc khác. Họ phải chiều theo "gu" của dân Pháp. Ít ra, đây là cảm tưởng của tôi sau khi ăn vài tiệm Việt và Tàu. Đến nỗi bọn tôi hầu như không bao giờ ăn tiệm Việt hay Tàu, ngay cả những khi bắt buộc phải ăn tiệm (vì đi chơi xa). Cũng cần nói là ở Pháp không có cái truyền thống self serve như ở Úc và New Zealand, hotel không bao giờ có cái ấm nước chứ đừng nói là bếp riêng. Món ăn Việt thì nem rán (chả giò) đã trở thành thông dụng ở Pháp, đâu cũng có bán.

Có lẽ vì dân Pháp nhiều óc hưởng thụ mà thói hút thuốc hãy còn rất phổ thông. Phong trào chống thuốc lá yếu thế và người dân dường như còn cho rằng điếu thuốc là một tự do cá nhân, một thú vui riêng tư nho nhỏ không ai có quyền xâm phạm, chứ không phải là một vấn đề sức khỏe và tôn trọng người bên cạnh. Dân Pháp xôn xao khi thấy Ái Nhĩ Lan ra đạo luật cấm hút thuốc trong quán bia. Đã có lần một nhà văn Việt Nam sống ở Pháp qua thăm Mỹ và phàn nàn rằng Mỹ không tôn trọng tự do cá nhân vì cấm hút thuốc nơi công cộng! Hầu như chưa bao giờ chúng tôi đi ăn tiệm mà thoát khỏi tình trạng ngộp khói từ cả chục ống bễ phì phà một cách thản nhiên. Ở Ý đã cấm hút thuốc trong tiệm ăn, trong khi Pháp chưa cấm được. Ngoài phố, những cô đầm nhỏ lớn vẫn ngậm thuốc để tìm glamour như thời thập niên 1950-60.

Trong các tiệm bia và cà phê thì khỏi nói. Vì vậy, tuy rằng trong vòng 2 blocks của apartment có cả chục quán cà phê chơi nhạc mỗi cuối tuần, tôi chưa bao giờ dám vào nghe dù rất thèm hưởng cái không khí nhạc jazz mà Thanh Tâm Tuyền đã nói tới:

Đi anh đưa em vào quán rượu

Có chút dáng Paris…

 

Cứt chó

 Cái đầu tiên mà người khách đến Pháp cần phải để ý là khi đi bộ luôn luôn phải nhìn xuống mặt đường. Cứt chó quá nhiều, to nhỏ, đủ hình dạng, màu sắc! Các hội đồng thành phố chắc là phải tốn một số tiền khổng lồ để rửa vỉa hè mỗi đêm. Có máy rửa, xịt thuốc tẩy trùng rồi chà cọ, nhưng không phải bao giờ cũng dùng được, vì đường phố quá chật chội và xe hơi leo đầy lên vỉa hè để đậu. Do đó đôi khi phải rửa bằng tay. Có lần tôi tự hỏi, ở Pháp với những tryền thống khai phá nghệ thuật mạnh bạo, đã có ai dám làm những bức tranh hay điêu khắc về cứt chó chưa?

Thủ tục hành chính Pháp

Còn hai tháng nữa thì về, tôi tới phòng cô quản lý apartment và cho biết ngày trả phòng. Cô ta bảo tôi phải viết thư, ra bưu điện gửi bảo đảm về địa chỉ này cho cô ta! Đã quen thủ tục hành chính Pháp, tôi làm theo mà không ngạc nhiên lắm.

Có lần mua vé bằng máy ở ga xe lửa, trả tiền xong máy bị kẹt và vé lấy không được. Nhân viên bảo tôi phải trả tiền mua vé khác, rồi trung ương hãng xe lửa trên xe lửa sẽ chuyển tiền vào băng trả lại tiền vé đầu.

Một lần, trường mời tôi dự một seminaire ở tỉnh khác và mời cả vợ đi theo, vì seminaire ở một thắng cảnh. Nhưng đến ngày đi thì kẹt: thủ tục không cho phép chở người ngoài trên xe của đại học, vì vấn đề bảo hiểm!

Có lẽ những thủ tục rườm rà của Việt Nam ta cũng một phần là do quá khứ làm thuộc địa Pháp chăng (và sau đó thì ảnh hưởng Liên xô, dĩ nhiên). Có điều, các vấn đề hầu hết được giải quyết nhanh chóng. Dân chúng có vẻ quen với thủ tục cứng nhắc và ít khi phàn nàn.

Chuyện cổ tích Bretagne

Hòang hậu xứ Cornouaille vợ vua Gradlon sinh hạ được một con gái đặt tên là Dahut. Bà mất sớm, vua nhớ thương vợ và chiều con cực điểm. Lớn lên, công chúa Dahut rất đẹp nhưng được cưng chiều nên trở thành hư hỏng. Cô đòi vua cha xây cho một kinh thành rất đẹp: thành Ys bên bờ biển. Chung quanh thành là những con đê kiên cố để ngăn những vụ thủy triều lớn thường thấy Bretagne. Mỗi đêm, cô lựa chọn một thanh niên đẹp trai để chăn gối, nhưng chàng trai phải đeo chiếc mặt nạ thần của cô. Trong cơn cực điểm, chiếc mặt nạ xiết chặt lại và chàng trai phải chết ngạt… Thánh Corentin, một tu sĩ có phép thần thông, đã nhiều lần cảnh cáo nhà vua nhưng vì quá thương con nên vua không can thiệp gì cả.

Một hôm, có một thanh niên cực kỳ đẹp trai tới gặp công chúa. Công chúa say mê chàng, nhưng chàng ta nói rằng nàng phải chứng tỏ tình yêu bằng cách cho mình coi cái khóa cửa đê ngăn thủy triều của kinh đô Ys. Đây là một bảo vật mà chỉ có vua Gradlon được giữ, nhưng vì quá yêu, công chúa chấp thuận và lén vào phòng cha ăn cắp chiếc chìa khóa.

Cầm được chìa khóa trong tay, chàng trai phá lên tràng cười ghê rợn và chạy vụt đi mở cửa đê. Nước biển tràn vào. Công chúa sợ hãi chạy đến đánh thức vua cha. Nhà vua nhảy lên ngựa, chở công chúa sau lưng và chạy về phía bờ, sóng biển cuồn cuộn đuổi theo sát gót. Chợt thánh Guénolé, đồ đệ của thánh Corentin, hiện ra và bảo nhà vua: "Hãy bỏ nó xuống!". Nhà vua lắc đầu, tiếp tục phi ngựa chạy. Guénolé nhắc lại ba lần không có hiệu quả, bèn đưa gậy đụng vào vai vào cô gái. Một tiếng sét nổ, đất tách làm hai và cô gái ngã xuống vực thẳm trong tiếng kêu thảm thiết. Kinh đô Ys chôn vùi dưới biển từ đó.

Đó là một truyện cổ tích của người Celt xứ Bretagne. Một truyện khác là cây gươm thần Excalibur giúp vua Arthur làm nên sự nghiệp. Khi vua sắp chết, ông bảo một hiệp sĩ đem gươm ra ném xuống hồ. Hiệp sĩ tiếc nên dấu gươm đi. Vua hỏi ngươi thấy gì, hiệp sĩ bảo không thấy gì cả. Vua bảo: Ngươi không vâng lời ta! Hiệp sĩ đành chạy đi lấy gươm ném xuống nước. Một bàn tay từ dưới hồ đưa lên, bắt lấy thanh gươm và biến mất…

Những trùng hợp kỳ lạ! Không hiểu dân Việt ta và giống người Celt huyền bí có họ hàng gì với nhau không mà truyện Mỵ Nương và sự tích thanh gươm thần của Lê Lợi có nhiều chi tiết giống nhau như vậy? Ngay cả chuyện nữ chúa Boudica của người Celt khởi nghĩa chống đế quốc La Mã cũng có nhiều điểm giống với cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng, và xảy ra vào một thời điểm tương tự.

 

Những dolmen huyền bí vùng Bretagne

 

Đi dạo

Hầu như mỗi buổi chiều, đông cũng như xuân, và nhiều weekend, chúng tôi đi dạo bên sông Erdre. Dòng sông nhỏ phụ lưu của sông Loire chảy rất lặng lờ, với những hàng cây hay rừng suốt dọc hai bờ, đi bộ suốt ngày vẫn chưa hết. Hai bên sông là những lâu đài (chateau) hay manoirs cổ kính xinh đẹp, với những chóp cao, nằm giữa những bãi cỏ xanh rờn và rừng cây cổ thụ. Những lâu đài bên sông Erdres không huy hòang lộng lẫy như những lâu đài nổi tiếng của các vua Pháp trên sông Loire, nhưng thơ mộng chẳng kém.

 

Château bên sông Erdre

 

Pháp quả thật là nhiều lâu đài! Có hai loại chính, đều gọi là château: những dinh thự sang trọng và tương đối mới (có lẽ trong vòng ba thế kỷ), và những château fort hay thành trì kiên cố xây từ thời trung cổ với những tháp donjons cao chót vót và tường đá dày mấy mét. Có những lâu đài đổ nát, thơ mộng một cách rất buồn, và những lâu đài được trùng tu lộng lẫy. Có lần tôi nói đùa rằng lâu lâu muốn xây thêm xa lộ chắc các nước Âu châu phải tuyên chiến với nhau và rải bom giùm nhau, vì di tích lịch sử quá nhiều.

 

Tuy rằng thơ mộng thật, nhưng những lâu đài và thành trì cũng nhắc rằng lịch sử Pháp và Âu châu nói chung, cũng như lịch sử Việt Nam, là những cuộc chiến ròng rã. Gần Nantes, trên sông Loire, thành Champtoceaux xưa là một thành phố lớn và phồn thịnh, nhưng vì đã lỡ giam cầm một vị lãnh chúa nên sau đó bị san bằng và cấm xây lại. Ngày nay chỉ còn một vài bức tường đá đổ nát. Hầu hết các lâu đài được trùng tu lại trong TK 20 khi óc hoài cổ của Âu châu bắt đầu tăng mạnh.

 

 

Tường cổ thành Champtoceaux.

 

Ngay đầu đường của apartment chúng tôi là hòn đảo Versailles nhỏ trang trí theo kiểu vườn Nhật với những anh đào, lê, liễu, maples đỏ, azaleas. Đi thêm một quãng là một cầu gỗ dài gần 1km cho người đi bộ đi dọc giòng sông, Bên bờ, những chú rái cá bơi lội trong đám cây rậm rạp. Rồi tới vườn hoa Beaujoire rộng lớn, và vài cây số nữa là lâu đài và vườn Chantrerie cũ kỹ với những cổ thụ khổng lồ năm sáu người ôm.

 

Cổ thụ Chantrerie

Apartment nhỏ trong cư xá sinh viên không tiện để tập đàn hát. Sợ phiền các sinh viên trong giờ học của họ, tôi mua một bao đàn để đeo trên lưng và đi dạo tới chỗ nào vắng vẻ, hai vợ chồng ngồi trên cỏ đàn hát. Nantes là một thành phố nhỏ, ít dân ngọai quốc, về những vùng quê chung quanh thì người dân lại càng ít gặp Á châu hơn. Có lẽ cái cảnh một cặp vợ chồng Á châu lớn tuổi, đeo guitar đi bộ khắp phố phường và ngồi đàn hát trên cỏ hơi lạ mắt với dân bản xứ, nên chúng tôi gặp nhiều cặp mắt tò mò và những nụ cười chúm chím.

Cách mạng Pháp

Hôm nay (8/6) TV chiếu tin trái tim của hoàng tử bé Louis 17, chết trong tù năm 10 tuổi thời cách mạng Pháp, mới được cải táng trong mộ của hoàng gia cùng với cha mẹ mình, vua Louis 16 và hòang hậu Marie Antoinette đã lên máy chém sau cách mạng 1789. Nhân chuyện này, tôi nhớ trong viện bảo tàng Dobrée ở Nantes có một hộp vàng chạm trổ tinh vi, đã từng đựng trái tim của nữ công tước Anne de Bretagne (cũng là cựu hoàng hậu Pháp và là người đã giúp hợp nhất tiểu quốc Bretagne vào nước Pháp). Truớc khi chết, bà yêu cầu chôn trái tim của mình trong phần mộ gia đình cùng với cha mẹ. Khi cách mạng nổi lên, chính quyền cách mạng đào mả của cả gia đình, lấy hết của cải, trong đó có hộp đựng tim, vứt trái tim và đem hộp vàng cùng những bảo vật khác đi… đun để lấy vàng sung công quỹ! May thay, có người giấu hộp tim đi và do đó nó mới sống sót qua thời cách mạng.

Hộp vàng đựng trái tim Duchesse Anne – Musée Dobrée.

Thời nhỏ, tôi học về cách mạng Pháp chỉ biết những khẩu hiệu liberté, égalité, fraternité, nhưng xem qua nhiều buổi triển lãm lịch sử thì mới thấy thật là một thời kỳ đáng sợ. Biết bao nhiêu cung điện, nhà thờ, di tích lịch sử bị phá hoại (mãi sau này mới phục chế), biết bao người vô tội bị mất đầu trên máy chém. Vùng quanh Nantes đã từng là một chiến trường giữa hai bên cách mạng và phản động, trong chiến tranh Vendée, gần đây còn đào được những mồ tập thể, chôn sống kẻ thù cùng giòng máu. (Chữ "phản động" mà ta dịch từ reactionnaire của Pháp chỉ có nghĩa là người chống lại cách mạng, cũng như chữ cách mạng chỉ có nghĩa là việc lật đổ chế độ cũ. Hai tiếng đó trong ngôn ngữ Pháp không hàm ý xấu tốt, nhưng đi vào tiếng Việt thì – có lẽ vì khuynh hướng của người Việt ta luôn luôn muốn phân biệt thiện ác rạch ròi – đã mang những ý nghĩa xấu tốt rõ ràng.) Tuy nhiên, cũng phải nhớ rằng chế độ quân chủ thần quyền thời xưa rất nhiều bất công và khắc nghiệt.

Ngày nay, nước Pháp kỷ niệm ngày cách mạng 14/7 và dùng làm ngày quốc khánh, nhưng nên nhớ là cách mạng đó đã thất bại, dẫn đến độc tài khủng bố, Napoleon đã lợi dụng cách mạng lên làm hoàng đế, rồi dòng họ của Louis 16 lại trở lại làm vua tiếp. Mãi một thế kỷ sau, vì thất trận trước quân Đức, chế độ quân chủ mới thực sự sụp đổ. Vẫn nhiều người tưởng nhớ chế độ cũ và ngay giữa Nantes là một bức tượng rất cao của vị vua mất đầu Louis 16. Không biết Việt Nam 100 năm sau cách mạng sẽ ra sao?

Bổ củi

Anh Trần Đình Lương thường hỏi tôi qua Pháp có cảm hứng để làm nhạc hay không. Quả là khi đi xa, vào một môi trường khác, thoát khỏi những lo nghĩ thường nhật trong vài tháng, cảm hứng dễ đến dồi dào, nhưng mà với tôi đó là cảm hứng… nghiên cứu chứ không phải âm nhạc! Đã mười mấy năm nay, từ khi vào dạy đại học, tôi chưa có dịp thực sự suy nghĩ sâu về một vấn đề khoa học gì vì quá bận những việc dạy học, hành chính, bây giờ tôi cảm thấy như một đứa trẻ được thả ngoài bãi biển. Chế độ sabbatical của các đại học Âu tây thật là tuyệt vời!

Lệ Mai thông cảm và để cho tôi tha hồ chạy chơi trong khu vườn riêng, hay nói lóng giữa bọn tôi là "bổ củi". Giữa đêm hay khi đang đi chơi, Lệ Mai thấy tôi xoay qua xoay lại hay mơ màng gật gù cái đầu thì lại hỏi: "Đang bổ củi à?". Tôi nghĩ làm nghiên cứu khoa học hay sáng tác nghệ thuật là hai hoạt động rất giống nhau, hay ít ra là cho ta những cảm giác y hệt: thích thú và say mê khi đi vào một mảnh rừng hoang nho nhỏ chưa ai tới, và thu hút hết tâm trí của "khổ chủ". (Dĩ nhiên, có những người sáng tác theo kiểu khác, cũng như có những người làm khoa học theo kiểu khác.) Rất may, đống củi không quá lớn và quá cứng, tôi bổ xong trước khi về và có vài ngày để xả hơi và … viết tường trình chuyến đi Pháp.

Những tưởng niệm chiến tranh

7/ 5, Pháp kỷ niệm 50 năm thua trận Điện Biên Phủ. Báo chí, TV khá chú trọng, tuần báo Express ra một số đặc biệt về chiến tranh Việt Pháp 1945-1954 và truyền hình chiếu những phim cũ thời đó và phỏng vấn các cựu chiến binh. Trước đó mấy hôm, tôi đi dự một buổi seminar của trường tổ chức tại một trung tâm nghỉ mát, và ngồi ăn cùng bàn với một cặp vợ chồng già, không biết nói tiếng Anh và có lẽ không phải giới học thức. Ông ta hỏi tôi người gì và khi nghe nói tôi là người Việt Nam, ông quay sang vợ và bảo: "À, đó là xứ mình bị đá văng hồi năm 1954 đó, giống như Mỹ sau này, tôi có coi TV bữa nọ!" Hồi thập niên 1970 thỉnh thoảng nói chuyện với người Pháp về chính trị, tôi cảm thấy nhiều người còn đầu óc "thực dân" và ấm ức vì đã mất đế quốc, nhưng bây giờ thì dường như đối với họ thời thuộc địa chỉ là một giai đọan lịch sử đã chìm vào quá khứ, không còn mang ảo vọng hay mặc cảm.

Ngay sau ngày kỷ niệm ĐBP, 8/5 là ngày lễ kỷ niệm chiến thắng Thế Chiến thứ Hai, Đức đầu hàng đồng minh. Cựu chiến binh làm lễ diễn hành. Tôi tưởng tượng đến ngày kỷ niệm chiến thắng năm 1954 và cười thầm tội nghiệp cho tình cảnh trớ trêu của người Pháp thời đó, khi được tin đại bại ngay ngày kỷ niệm đại thắng.

Đi qua đài tưởng niệm chiến sĩ, có một vòng hoa trước bảng khắc "Ghi ơn những người từ năm lục địa đã hy sinh cho nước Pháp tại Đông Dương". Tôi nhớ lại những người lính Lê Dương đi đánh thuê cho Pháp để thỏa mãn tính khát máu hay để chôn dấu những dĩ vãng đầu trộm đuôi cướp, những con "quỉ dâm dục" mà phụ nữ Việt Nam rất sợ thời đó. Gần đó, hầu như đối diện, là đài kỷ niệm 50 người tỉnh Nantes bị giết để trả thù một vụ ám sát sĩ quan Đức trong thời kháng chiến chống Đức. Chắc ít người Pháp nhận ra sự trớ trêu giữa hai trường hợp xâm lăng áp bức.

6/6 năm nay là kỷ niệm 60 năm cuộc đổ bộ của đồng minh (Mỹ, Anh, Canada) lên bờ biển Normandy để giải phóng Âu châu. Các nguyên thủ các nước lớn đều đến Pháp dự kỷ niệm. Lần đầu tiên thủ tướng Đức được mời dự, trong sự phản đối của nhiều cựu chiến binh.

Từ nhiều ngày trước, hình ảnh và các mẩu chuyện về cuộc đổ bộ cũng như những cảm tưởng người thời đó về lính đồng minh tràn ngập báo chí, TV. Tôi có cảm tưởng là dân chúng Pháp hãy còn rất mến phục và biết ơn người Mỹ. Họ nhắc lại những hình ảnh của các chàng GI trẻ trung với đầy tình cảm yêu mến. Số 5/6 của báo Océan Presse đăng nửa trang nhất hình nghĩa địa tử sĩ Mỹ tại Normandie với dòng tít lớn: Âu châu nhờ họ mà có hòa bình và tự do! (L'Europe leur doit paix et liberté).

Đọc báo Mỹ, Anh, Úc, ta thường có cảm tưởng dân Pháp là một dân tộc tự kiêu, có phần nào vô ơn bạc nghĩa, bài ngoại và ghét Mỹ, hay thọc gậy bánh xe và đầu óc kỳ cục, không biết nghe lẽ phải (của Mỹ) – nhất là sau khi Pháp cực kỳ phản đối quyết định đánh Iraq của Mỹ. Vì vậy, khi mới tới tôi rất ngạc nhiên khi thấy hai đại lộ lớn nhất của Nantes mang tên hai tổng thống Roosevelt và Kennedy. Trong cuộc nói chuyện thường ngày, chưa bao giờ tôi thấy họ tỏ ra ghét Mỹ. Tuy nhiên, họ coi là họ có quyền có ý kiến của họ và không ngần ngại bày tỏ sự bất đồng ý với Mỹ hay bất cứ một nước nào khác, cũng như với chính phủ của họ. Tuần nào cũng có biểu tình gì đó, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy biểu tình nhiều như vậy, về bất cứ vấn đề gì lớn nhỏ!

Có thể trong thời de Gaulle đã có những bất hòa và thành kiến thực sự giữa Pháp và Mỹ, do chính sách quốc gia bài ngọai của vị tổng thống này không phù hợp với chính sách Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh (thực ra, de Gaulle và các lãnh tụ Mỹ như Roosevelt đã ghét nhau ngay từ khi còn đang đánh Đức), nhưng ít ra là đối với dân Pháp, thời đó đã qua rồi.

 

Báo Nantes kỷ niệm D-Day và tưởng nhớ liệt sĩ Mỹ.

Collioure

Alain chỉ cho bọn tôi đi chơi làng Collioure ở gần biên giới Tây ban nha. Chúng tôi tới đó vào cuối mùa đông nhưng vì là bờ biển Địa Trung Hải nên cũng không lạnh lắm. Đó là một cái làng nhỏ với những căn nhà xinh xắn trên triền đồi dọc biển, như những hộp diêm đứng sơn nhiều màu sắc tương phản một cách mỹ thuật. Những ngõ nhỏ trên sườn đồi đưa ta từ thú vị này tới thú vị khác. Những studios của các họa sĩ sơn phết trang hoàng khác người. Bầu trời trong vắt và biển Địa Trung Hải xanh biếc. Xa xa, một tòa lâu đài hơi đổ nát, một cái tháp đèn pha bằng đá, một cối xay gió từ thế kỷ thứ 14 trên sườn đồi. Khung cảnh như một bức tranh của Matisse. Không có gì ngạc nhiên, vì Matisse, Derain và nhiều họa sĩ khác đã từng sống ở đây và vẽ rất nhiều tranh về làng này (Collioure được coi là cái nôi của trường phái fauvisme). Chỗ nào cũng treo tranh. Trong cái quán nhỏ chúng tôi ở, mang tên đòan thập tự chinh Templiers (đã từng đi qua đây trên đường tái chiếm Jerusalem từ tay người Hồi giáo), hàng trăm bức tranh sơn dầu cũ mới phủ kín tường.

 

Collioure, bên ngoài và dưới cây cọ của Matisse

 

Mùa đông ít du khách, dân địa phương ngồi trong quán uống bia, cà phê và nói chuyện bằng tiếng Catalan, khiến mình cảm thấy như ở Tây ban nha. Mọi nơi treo cờ vàng bốn sọc đỏ của xứ Roussillon (vùng Catalan Pháp), rất giống cờ VNCH thời xưa, treo yết thị bằng tiếng Catalan và quảng cáo ngày đấu bò sắp tới. Vùng này dường như cảm thấy mình là dân Catalan hơn là dân Pháp. Họ trồng và bán một giống Tulip cũng vàng và sọc đỏ như cờ của họ!

Tulipe cờ vàng sọc đỏ

Người Pháp

Cách ăn nói của người Pháp rất khác người Úc - nhỏ nhẹ, lịch sự, từ câu chào hỏi hay lời cám ơn cũng đều kèm chữ "ông, bà" (monsieur, madame hay monsieur-dame) rất lễ phép. Sau vài ngay, tôi thấy cách chào hỏi cộc lốc kiểu Úc của mình cũng hơi kỳ cục và phải cố gắng để ý ăn nói cho… đủ lễ! Sinh viên ăn nói cũng có vẻ nhỏ nhẹ, không "gấu" như sinh viên Úc, gặp trong hành lang là luôn luôn lễ phép bonjour.

Đi chơi, chúng tôi thường theo thói quen Úc là đem bánh mì thịt và chai nước, ngồi trên cỏ ăn picnic. Trời đẹp, ngồi bên bờ sông hay trong góc vườn của một lâu đài mà ăn uống trong gió mát thì tuyệt! Tuy nhiên, bọn tôi rất ngạc nhiên khi thấy không có ai khác làm vậy cả (ngọai trừ, đôi khi, một vài du khách ngoại quốc khác). Dường như dân Pháp tỉnh nhỏ không biết picnic là gì! Có người còn nhìn bọn tôi ngồi ăn và cười. Chỉ có một lần bọn tôi thấy dân Nantes ăn picnic – đó là khi có một hội hoa lớn ở Nantes và một xe bus chở toàn ông bà già có lẽ từ tỉnh khác tới. Họ ngoan ngoãn ngồi một dãy trên cỏ và được phân phát đĩa, giấy, muỗng, nĩa, ly để ăn uống đàng hoàng. Còn thì, cũng như ở Việt Nam, khi đi chơi họ vào ăn trong các tiệm ăn đầy rãy tại các trung tâm du lịch. Khoảng từ 12 giờ tới 2 giờ vắng hẳn bóng du khách ngòai đường. Trừ tiệm ăn, các cửa tiệm cũng như hầu hết các công sở đều đóng cửa trong giờ nghỉ trưa, như ở Việt Nam trước thời Mỹ.

Người Việt

Ở Paris, ngoài hai bạn cũ là Diệu Hằng, bạn trung học và Lệ Dung, bạn cùng nhóm du học New Zealand của tôi, thì có… Silicon Band! Khoảng mỗi tháng một lần, chúng tôi lên Paris chơi với các bạn trong nhóm (http://perso.club-internet.fr/nmchau/). Đây là một nhóm văn nghệ rất hoạt động của cặp cựu sinh viên Minh Châu-Hòang Yến và các bạn bè. Họ chơi nhạc, làm thơ, viết văn, có những cây bút quen thuộc như Mai Ninh, Phan thị Trọng Tuyến, Miêng, Quỳnh Dao… và đặc biệt là "đảo chính gia" kiêm bình luận gia Vương Văn Đông. Khách thường xuyên tham dự là các nhạc sĩ Trần Quang Hải, Lê Mộng Nguyên, Mạnh Bích, Linh Quang-Huệ Châu, Ngọc Diễm, Lê Hoài Anh, nghệ sĩ nhạc truyền thống Kim Chính. Sáng tác ca khúc thì có Linh Chi, Minh Châu, Trang Thanh Trúc, Mộng Trang, ca sĩ thì có giọng ca điêu luyện Tuyết Dung, "giọng ca man dại" Mộng Trang, Mộng Hương, "giọng ca quằn quại" Thanh Đạm, Phạm Đăng, Văn Tấn Phước và nhiều người khác (đây là những từ mà anh VTPhước hay dùng để gọi đùa các ca sĩ nhà, nhưng phải nói rằng anh cũng là "một cây" man dại, nhất là khi cưỡi ngựa hoang của Phạm Duy!), làm thơ thì có Bồ Huynh, Y Nguyên v.v., họat náo thì có Ngọc Bích.

Mới sang Pháp, chúng tôi đã tham dự một buổi nói chuyện về nhà văn Võ Phiến của Văn Bút Paris với sự giúp vui của Silicon Band, sau đó là một bữa ăn thân mật tại tiệm Le Palanquin rất cổ kính và stylish ngay giữa Paris của Từ Nguyên và Từ Dung. Ngày 3 Avril, Silicon có nhã ý tổ chức giùm một buổi giới thiệu CD "Lệ Mai hát nhạc Phạm Duy" của Lệ Mai, Hoàng Ngọc-Tuấn và Phạm Quang Tuấn, với nhà văn Mai Ninh làm MC.

 

Mai Ninh giới thiệu CD Lệ Mai

 

Phải công nhận là dân Việt ở Paris thân thiện, chịu chơi và có style! Những cuộc gặp gỡ đó đã khiến cuộc du hành nước Pháp trở thành thật đầy đủ và ấm cúng. Không hiểu có phải là văn hóa và khung cảnh nước Pháp dễ gây cảm hứng nghệ thuật, vì bạn du học New Zealand và Úc của tôi ít người để ý đến văn nghệ như ở đây.

 

 

Tin từ Úc

 

Gần đến ngày về, có một tin buồn từ Úc. Cô em gái làm MC cho mấy ca sĩ từ VN qua bị một cựu quân nhân kiêm "lãnh đạo cộng đồng" hành hung trong một cuộc biểu tình chống giao lưu văn hóa. Các chiến sĩ tranh đấu cho tự do dân chủ này chặn đường, xé vé, ném trứng, xô đẩy khán giả. Chưa vừa lòng sau khi đánh đập một phụ nữ cô thế, họ hăm dọa sẽ phá họai công ăn việc làm của nạn nhân, dùng lời lẽ đê tiện lăng mạ liên tục trên báo, trên đài, khủng bố tinh thần, hả hê ca tụng "chiến thắng của chính nghĩa". Không khí êm đềm tới mức thần tiên của Bretagne đột nhiên vẩn đục và chúng tôi buồn nghĩ tới ngày phải trở về… trần gian (?). Giấc mơ nào rồi cũng đến lúc tỉnh giấc, có khi tỉnh bằng gáo nước lạnh.

Nantes, 6/2004

  

Viết thêm – 7/2004

Còn hai tuần nữa về Úc… Nhân đi thăm một viện nghiên cứu ở gần Clermont Ferrand, chúng tôi mướn xe đi vòng vùng Auvergne và Dordogne trong bảy ngày để thăm khu thắng cảnh nổi tiếng này. Quả là tiếng đồn không sai! Vùng Auvergne với đủ lọai fromages và những làng mạc xây bằng đá núi lửa trên sườn núi, những làng và thị xã cổ xưa xây cheo leo trên sườn núi như Saint Flour, Rocamadour, dòng sông Dordogne và Vézère trong vắt, uốn mình giữa những đồi núi đá vôi, những hang động tiền sử mà nổi tiếng nhất là hang Lascaux với những bức tranh vô cùng sống động, tưởng chừng tiền thân Picasso đã sống cách đây mấy chục ngàn năm, những thành trì đục sâu trong hang núi trong rừng sâu và có thời không còn ai biết tới, những làng cổ kính và thơ mộng như Carennac, "un des plus beaux villages de France", những trại noix và ngỗng, và dĩ nhiên, vô số là lâu đài cổ kính. Những cảnh trí thường không vĩ đại, không lóa mắt như tháp Eiffel hay Grand Canyons, nhưng đẹp một cách duyên dáng kín đáo và đi sâu vào lòng người, khiến du khách quyến luyến mãi với kỷ niệm. Chúng tôi cũng vọt xuống phía Nam coi cây cầu khổng lồ sắp sửa hoàn thành ở Millau, trụ cầu cao hơn tháp Eiffel.

 

   

   

Đặc sản Dordogne:  hạt noix, foie gras, và "làng xinh đẹp nhất Pháp"

Weekend cuối, Silicon Band tụ tập lại nhà anh chị Tùng Linh (Bồ huynh) để tiễn. Tối khuya, mọi người quây lại hát Ngày Tạm Biệt của Lam Phương ("Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau…") dưới sự hướng dẫn say mê của chị Thanh Đạm, chợt thấy những lời lẽ "sến rịt" đó, hát vào lúc đó, sao mà cảm động lạ! Au revoir, nước Pháp rất dễ thương!

 

Bài đọc thêm:

  1. Thủ đô Paris

  2. Quốc ca Pháp: La Marseillaise

  3. Rồi cũng qua đi

 

© http://vietsciences.free.fr Phạm Quang Tuấn