Kinh hoàng lễ hội chùa... ngày nay

     

 

Đọc báo

Xưa...

Đi chùa Hương


Nguyễn Nhược Pháp
 

Hôm nay đi chùa Hương.
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậỵ
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao;
Lưng đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới;
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi giép cong
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?"

-- Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm,
Ý đợi người tài trai.

Em đi cùng với me,
Me em ngồi cáng tre.
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe

Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy,
Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần.
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân...

Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?

Chàng ngồi bên me em
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, giời ôi chen!"

Chàng thưa vâng thuyền đông,
Rồi ngắm giời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.

 

 

Giòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ!
Thầy khen hay, hay quá!
Em nghe ngồi ngẩn ngơ.

Thuyền đi, bến Đục qua,
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
"Nam vô A-di-đà !"

Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Dịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.

Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồị
Tới núi con voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau rừng cây,
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Em đi, chàng theo sau,
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.

Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói toả mờ
Hương như là sao lạc
Lớp sóng ngươì lô nhô.

Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong
Quay về nhà ngang bảo:
"Mai mới vào chùa trong"

Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong"

Đêm hôm ấy em mừng!
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời
Mơ nhiều ... viết thế thôi
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười.


 

 

Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.

Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, ti'm, vàng leo
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.

Mẹ bảo: "Đường còn lâu
Cứ vừa đi ta cầu
Quan-thế-âm Bồ-tát
Là tha hồ đi mau."

Em ư ? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu)

Khi qua chùa Giải Oan
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.

Tấm tắc thầy khen hay
Chữ đẹp như rồng bay.
(Bài thơ này em nhớ
Nên chả chép vào đây)

Ôi! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.

Mẹ vui mừng hả hê:
"Tặc! Con đường mà ghê!"
Thầy kêu mau lên nhé,
Chiều hôm nay ta về.

Em nghe bỗng rụng rời!
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoáng ngày vui qua rồi!

Làn gió thổi hây hây.
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở!
Chàng ôi, chàng có hay?

Đường đây kia lên giời
Ta bước tựa vai cười,
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!

Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng.

Nay...

Kinh hoàng lễ hội chùa Hương

 

Động thiêng thì ở trên cao
Leo lên đến đỉnh hết nhào cả hơi
Giữa rừng giữa núi giữa trời
Đường lên hàng quán mọc mời khách mua

Xuống đò bước tới của chùa
Thịt hươu, nai, hoẵng dốc mùa hầu bao
Đông người chẳng biết thế nào
Phải thằng móc túi nó nhào chen vô

 

Thế rồi điện thoại đi mồ
Bao tiền trong túi biết mô mà tìm
Lại đò chém khách muốn dìm
Vào mùa ăn sổi Lặng im để chèo

Hết ngày đò mới chí phèo
Ra điều ăn vạ đòi nhiều tiền hơn
Khách giờ chết đứng khóc hờn
Méo mồm trả đủ "làm ơn" lễ "chùa".

Đặng Tiến Liêm

Chùa Hương đang tồn tại quá nhiều hình ảnh không tốt của một danh lam thắng cảnh. Cần phải có tổ chức quản lý điều hành tốt hơn hiện nay, nếu không e rằng chúng ta đang đánh mất đi một di tích quý báu của dân tộc trong lòng bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước.

http://www.vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/Xa-hoi/2009/02/3BA0AE05/

 

Thứ hai, 2/2/2009, 21:20 GMT+7

Hội làng đầu Xuân

http://www.vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/Xa-hoi/2009/02/3BA0ADD4/

Dù đã khác xưa rất nhiều nhưng hội ở quê vẫn còn giữ được đôi nét truyền thống. Độc giả Vũ Viết Hảo chia sẻ hình ảnh Hội làng Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
> Phiên chợ Tết quê cuối năm giữa Hà Nội

>

Trẻ em vẫn thích thú với những con tò he bằng bột nếp.

Còn thanh niên hào hứng với trò đập niêu đất.

Khu vực bán đồ chơi, hàng ăn thu hút sự quan tâm của nhiều người

Nhiều trẻ em dành tiền mừng tuổi Tết để đi chơi hội.

 

Lễ hội chùa Hương

Không thêm tiền, đò không đi!

http://dantri.com.vn/c20/s20-306169/khong-them-tien-do-khong-di.htm

 

(Dân trí) - So với mọi năm, đường vào chùa Hương năm nay không có tình trạng tắc nghẽn giao thông, khâu tổ chức nhiều đổi mới. Tuy nhiên, hàng vạn du khách vẫn bị “móc túi” mà đành phải ngậm ngùi để chuyến đi được suôn sẻ.
 >> Công khai giá vé hội chùa Hương để tránh cò mồi, lừa đảo

Chèo kéo khách, dịch vụ giá “cắt cổ”

 

Để tránh nạn chèo kéo, môi giới và lừa đảo gây phiền hà cho du khách, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) đã công khai các loại giá vé và phí gửi phương tiện. Tuy nhiên, nhiều du khách đã bị mất tiền mà cực chẳng đã. Anh Duy Thảo, phố Sơn Tây, Hà Nội không khỏi bức xúc cho biết, anh mua vé và xuống đò mang tên Hùng Tâm. Sau khi đò xuất phát, nhân viên chèo đò đã nài nỉ xin thêm tiền công cả ngày chờ đợi, thương lượng không xong, cuối cùng đò anh 6 người đã mất thêm mỗi người 25.000đ.

 

Nhiều du khách ngậm ngùi thêm tiền cho chèo đò!

 

Cùng tâm trạng như anh Thảo, chị Hải Vân ở Ninh Bình ngoài tiền mua vé thì đoàn của chị cũng mất thêm 100.000đ cho chèo đò vì công chờ đợi. Theo nhiều du khách, hầu hết những người đi đò đều phải mất thêm tiền cho lái đò thì mới đi được.

 

Ngoài việc bị chèo kéo thêm tiền thì du khách cũng phải chịu giá dịch vụ “cắt cổ”. Chị Nguyễn Thị Hiền ở Hà Nội than: “Để lên động Hương Tích cho nhẹ, tôi có cái túi nhỏ gửi ở cửa hàng mất 20.000đ. Việc thuê đĩa để đặt lễ ở đây 20.000đ/1lần, ngồi ghế không uống nước hoặc mua gì mất 5.000đ…”.

 

Dịch vụ ăn uống đồ dùng cũng không kém, mỗi quả trứng vịt lộn giá 6.000đ/quả; xúc xích nướng 13.000 - 15.000đ. Đặc biệt, dịch vụ vệ sinh cũng tăng theo, đi tiểu tiện 2.000đ/lượt; đại tiện 5.000đ/lượt. Để đỡ tốn ít tiền, nhiều người đứng ngay gốc cây ven đường để bậy, khiến du khách qua lại đã phải lắc đầu, ngán ngẩm.

 

Đông nghẹt ở đền Trình

 

Để tránh tắc đường, nhiều lái xe đi đường vòng qua nghĩa trang của làng phải mất phí 10.000đ/lượt.

 

Không tắc xe, nhưng “tắc” vì… rác

 

Du khách trảy hội chùa Hương năm nay khá hài lòng với khâu tổ chức phân luồng giao thông. Chị Nguyễn Thu Hương ở phường Ba La, Hà Đông phấn khởi: “Năm nào tôi cũng đi chùa Hương nhưng chưa thấy năm nào lại nghiêm túc như năm nay, bắt đầu từ cổng mua vé đến soát vé đã thấy các chú công an đứng làm trật tự và phân luồng giao thông, không còn tắc nghẽn từ cổng vào như mọi năm nữa”.

 

Rút kinh nghiệm về việc khắc phục tình trạng ùn tắc cục bộ từ Thiên Trù lên động Hương Tích, Ban tổ chức đã đầu tư, nâng cấp mở rộng hạ tầng cơ sở; Hoàn thiện tuyến đường bộ từ Thiên Trù đi Hương Tích, làm mới bến đò Thanh Sơn, Tuyết Sơn, nạo vét đường suối vào chùa Long Vân; có làn đường lên xuống từ bến Yến lên Thiên Trù dành cho người tàn tật... Tuy nhiên, rác rơi đầy tại lễ hội.

 

Theo quy định của Ban tổ chức, các phương tiện vận chuyển khách trên suối Yến đều phải gắn biển số, lái đò đeo số phù hiệu và trên mỗi đò đều có giỏ đựng rác. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, tuyệt nhiên không thấy chiếc đò nào có giỏ đựng rác và người lái đò đeo phù hiệu. Do đó, ngay từ đền Trình đến Thiên Trù và động Hương Tích rác rơi rất nhiều mặc dù liên tục có loa nhắc nhở mọi du khách cần có ý thức hơn và liên tục có người thu gom rác nhưng không xuể.

 

Rác trong động Hương Tích

 

Anh Nguyễn Tuấn, nhân viên được phân công dọn rác tại động Hương Tích cho biết: “Tại động này, các sư thầy phân công hơn 30 người chuyên dọn rác nhưng vẫn không hết được vì với lượng người đông như thế này, tôi vừa nhặt góc này, góc kia đã có người vứt ra. Vỏ hạt dưa, hạt bí bám chúng tôi phải cọ rửa thì mới sạch được”.

 

Lý do mà chủ đò Hùng Tâm đưa ra là để thùng rác lên đò vừa mất vệ sinh lại chật đò.

 

Nghẹt thở tại Hương Tích

 

Tại cổng vào động Hương Tích, Ban tổ chức đã chăng dây thừng để “phân làn” chiều lên, chiều xuống, bố trí cả lực lượng công an đứng để phân tuyến nhưng cũng đành bó tay trước dòng người đông cố chen lấn xô đẩy để vào động. Lượng khách đổ về quá đông và dồn dập từ cáp treo dẫn đến tắc nghẽn ở cổng vào động Hương Tích.

 

Nghẹt thở lối vào động Hương Tích

 

Sau hơn 2 tiếng đứng chờ và bị đẩy dúi dụi, chị Lê Hạnh mới vào được trong động, mệt mỏi, vừa thở, vừa quạt chị Hạnh than: “Cửa vào động thì nhỏ khoảng 2m mà hàng nghìn người chen lấn xô đẩy như thế thì làm sao mà chịu được”.

 

Do không chịu được sức ép của dòng người, bà Nguyễn Thị Ba 70 tuổi ở Nam Định đã suýt nữa bị dẫm bẹp khi ngồi thụp xuống, rất may bà được 2 thanh niên xốc dậy.

 

Chị Vũ Lan ở TPHCM kiến nghị, tại sao Ban tổ chức không mở thêm một cổng phụ để tránh bớt sự ngột ngạt và dẹp bỏ các quán bán hàng ngay tại cổng động này.

 

Để kịp giờ xuống núi, tránh dòng người đông đúc chen lấn, nhiều du khách đã mất tiền cho người bán hàng đồ lễ để đi qua cửa hàng, men vào thành núi xuống động, bất chấp sự nguy hiểm.

 

Hồng Hạnh

 

Tuy nhiên, cũng có nhiều trò chơi đỏ đen thu hút thanh niên.

Vũ Viết Hảo

Thứ Sáu, 06/02/2009, 08:51

Nhốn nháo lễ hội

(ANTĐ) - Đã qua Tết Nguyên đán, các công sở, doanh nghiệp đều đã bắt tay vào công việc. Song, không khí hội hè, du xuân vẫn còn hiện hữu tại nhiều công sở. Ra Giêng là tháng ăn chơi(?!). Sau Tết, lễ hội đình, chùa... mới bắt đầu tưng bừng khai hội, đầu năm công việc rảnh rang, người người đi trẩy hội. Từ những lễ hội lớn, kéo dài hàng tháng đến những lễ hội nhỏ diễn ra chỉ trong vài ngày, thậm chí một ngày: Hội chùa Hương, hội Yên Tử, hội chùa Đậu, hội Lim, hội đền Trần ...

Song, dù là lễ hội lớn hay nhỏ, dù đã qua hàng trăm năm tổ chức lễ hội, dường như, vẫn thiếu đi một sự chuyên nghiệp ở ban tổ chức, một ý thức văn minh nơi người du xuân.

Chùa Hương vừa khai hội, hàng vạn người đi. Hội chợ Viềng (Nam Định) chỉ diễn ra chưa đầy 1 ngày nhưng lượng người đổ về cũng đông như mắc cửi. Song, qua mỗi lễ hội lại khiến du khách ra về với tâm trạng thất vọng, thậm chí, sợ đi lễ hội. Chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để giành lấy chỗ đứng chân. Tình trạng du khách ngất tại chỗ vì chen lấn xảy ra khá phổ biến. Người ta giành nhau lấy chỗ để cúng, để vái.

Khung cảnh lễ hội thì lộn xộn, bát nháo. Các dịch vụ trông giữ xe, nhà nghỉ, hàng ăn... đều được dịp chặt chém du khách. Nhưng, vấn đế lớn nhất đang tồn tại ở hầu hết các lễ hội là nạn cờ bạc, móc túi và trộm cắp, thực trạng này đã khiến nhiều du khách ác cảm với lễ hội. Người đi hội chẳng ai đi với mục đích cờ bạc, nhưng các điểm tổ chức cờ, bạc tại các lễ hội luôn sử dụng chiêu “cò mồi” để cuốn người tham gia...

Lễ hội chùa Đậu (Thường Tín) vừa được khai hội nhưng du khách lại thất vọng tràn trề về khung cảnh ở đây. Tiếng nhạc, tiếng trống xập xình từ các điểm vui chơi giải trí át cả tiếng đọc kinh, mùi cá nướng trộn lẫn mùi nhang khói.

Đến sân chùa cũng trở thành địa điểm kinh doanh... Ngày nay, dù là lễ hội chùa hay đền thì thành phần đông nhất vẫn là thanh niên. Trong khi đó, chiếm một phần lớn trong giới này đi hội chỉ xuất phát từ tâm lý đám đông càng khiến các lễ hội trở nên lộn xộn.

Phong tục đi lễ hội đầu năm đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt. Song, điều mà không ít người cảm nhận được là, lễ hội ngày càng mờ nhạt, kém thi vị, mất dần đi vẻ đẹp truyền thống. Còn với tình trạng lễ hội nhộn nhạo như hiện nay đang diễn ra tại nhiều nơi đã và đang dần khiến du khách quay lưng.

Ngân Tuyền

http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=41587&ChannelID=5

 

 

Bát nháo lễ vía Ngọc Hoàng

18:33:00 03/02/2009

Mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày lễ vía Ngọc Hoàng nên ngay đêm mùng 8 các vị hòa thượng trụ trì chùa Phước Hải (còn gọi là chùa Ngọc Hoàng, chùa ĐaKao, đường Mai Thị Lựu, phường ĐaKao, quận 1, TPHCM) tổ chức tụng kinh cầu an.

Cả ngày mùng 9 là dịp để hàng ngàn khách thập phương đến chiêm bái, trong đó có cả người Hoa và người Việt. Khói nhang nghi ngút, ai cũng thành kính khấn vái.

Do lượng người đổ về khu vực này quá đông lên đến hàng chục ngàn người nên các dịch vụ ở đây được cơ hội ăn theo, trong đó có cả hành khất, sư giả, giữ xe, bán chim, cá phóng sinh… tạo ra sự bát nháo trong và ngoài chùa.

Phóng viên CAND Online ghi nhận lại một số hình ảnh đẹp và không đẹp trong lễ vía này.

 

Bán may mắn trước cổng chùa.

 

Để đảm bảo ANTT các chùa đã thuê lực lượng bảo vệ riêng.

 

Khách thập phương liên tục đổ về chùa.

 

Chen chúc trong chánh điện.

 

Khách nước ngoài cũng đi viếng cảnh chùa.

 

Cầu bình an, gia đạo.

 

Đội quân vé số đeo bám khách viếng chùa.

 

Vàng mã chất thành đống.

 

Nhang đèn liên tục được rút ra khỏi lư hương.

 

Sư giả đứng kín cổng chùa.

 

Phóng sinh…

 

Cá phóng sinh chết nổi đầy mặt hồ.

 

 

 

Bát nháo Non Nước lẫn Hội An

22-02-2008 17:07:33 GMT +7

K.L. - (Theo CAND)

Hai địa điểm thắng cảnh nổi tiếng nhất Quảng Nam (Hội An) lẫn Non Nước (TP Đà Nẵng) đều để lại trong long khách hành hương nhiều ấn tượng... không đẹp.

Ngay dưới chân đỉnh núi Non Nước (còn gọi là Ngũ Hành Sơn - PV), chúng tôi đã nhận được câu hỏi khá lạnh của hai cô nhân viên bán vé: “Mua vé lên núi đi?”. “Dạ, bao nhiêu vậy chị?”. “15 ngàn/người”. Chỉ ngước mắt lên đếm lượng khách lên núi, cúi đầu xé vé, cái vẻ dửng dưng lẫn khó chịu của hai cô soát vé khiến nhiều du khách ái ngại.

Lên đỉnh, tại ngôi chùa cổ nhất, chúng tôi còn bắt gặp hình ảnh rất phản cảm khi các vị khách nước ngoài mặc quần cụt, đứng ngoài chánh điện chùa chụp ảnh và liên tục cười nói, mặc tiếng ê a kinh kệ bên trong vẫn vang lên trầm mặc.

Chưa kể là khi xuống hang động, có nữ du khách còn dùng đèn pin soi thẳng vào mặt tượng Phât Bà Quan Âm được tạc trong vách đá để nhìn cho rõ hơn, bất chấp không khí trang nghiêm nơi này.

Cậu bé mặc quần đùi ngồi trước cửa hang cứ liên tục bám theo chúng tôi và giới thiệu dẫu không ai yêu cầu “đây là nơi thờ Bà Thánh mẫu cầu tài lộc. Đây là thờ Địa tạng cầu sức khoẻ... Các anh cúng dường đi, cùng dường bên này nè. Cúng dường rồi cầu gì được nấy”. Những câu chào mời này lẵng nhẵng bám theo khiến du khách khó chịu.

Ở một ngôi chùa khác, người đàn ông trung niên cứ “ở đây còn cái hang nè, vô coi đi. Coi đi, hay lắm”. Khi chúng tôi trả lời là đã tham quan xong, ông nói rất “tự tin” :”Cho mấy ngàn đi”. Không hiểu vì sao phải cho và cho vì lý do gì(?!).

Tại Hội An, cánh xe ôm nói là chùa Phước Kiếng linh thiêng và đẹp lắm, nên đi tham quan.

 

Trái hẳn với không khí trang nghiêm trước cửa chùa, bên trong chùa người ta đang tấp nập xin xăm và... chụp ảnh. Chuyện cho xăm ở đây cũng rất… lạ. Trên bàn thờ, một hũ xăm bằng tre có nhiều thanh mỏng ghi số, ai muốn xin xăm cứ việc đứng lắc lắc vài cái rồi bóc đại một que. Người đàn ông đứng cạnh hũ xâm sẽ đọc con số gi trên thanh tre rồi bảo “Qua kia lấy lời giải”.

Cách đó vài bước chân, một phụ nữ đang “canh” các quẻ xâm được đựng trong tủ kín. Tủ có nhiều hộc nhỏ, trong hộc chứa từng lá xâm ghi trên mảnh giấy màu hồng, được đánh số từ 1 đến 100. “Đưa 10 nghìn đi, tui rút cho một quẻ. Chứ xâm đâu phải chùa mà muốn coi thì coi”, bà ta nói.

Ngay trong chánh điện, một người đàn ông khác có khuôn mặt nhìn rất “giang hồ” đang ngồi coi tử vi cho nhóm du khách trẻ. Để nhóm du khách an tâm, khi quẻ chưa phán xong, thầy vội vã cho số điện thoại di động để khách tiện liên lạc.

“Em cứ gọị số này là gặp anh liền. Rồi, nhiều người anh đã coi kiểu này mà. Em cứ an tâm. Thấy cái đuôi 77 không, em cứ gọi là gặp anh. Vậy, nghe!”, thầy nói rất sảng khoái. Nhóm du khách trên ra về chắc cũng an tâm vì có được số di động của thầy.

Đầu năm, nhiều cảnh bát nháo xảy ra tại hai địa điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Nam và Đàng Nẵng, không biết Ban quản lý của hai điểm du lịch trên có biết điều này không?

 

 

Thả chim phóng sinh....

http://cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2009/2/108354.cand

 

Bát nháo các dịch vụ ăn theo ở lễ hội chùa Bà

Càng đến ngày tổ chức lễ hội chùa Bà (15 tháng Giêng âm lịch), du khách đổ về Bình Dương ngày càng đông. Mặc dù các ngành chức năng ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và Ban tổ chức lễ hội đã có nhiều biện pháp kiểm tra, bảo đảm ANTT nhưng các dịch vụ ăn theo lễ hội vẫn không giảm, gây nhiều phiền toái cho khách.

Trước cổng chùa Bà, có tới hàng chục điểm bày bán sách bói toán và coi tử vi. Du khách chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn là có thể mua được một cuốn tử vi. Gọi là cuốn sách tử vi cho sang chứ thực chất đây là những trang photo, chữ nghĩa lem luốc, giấy thì nhàu nát.

Mặc dù đã được Ban tổ chức lễ hội thường xuyên nhắc nhở trên loa phóng thanh nhưng vẫn có một số du khách hiếu kỳ, mê tín dị đoan vẫn nấn ná tại các điểm xem bói, xem tử vi để biết năm nay mình vận hạn thế nào? Làm ăn ra sao? Có gặp điều gì may rủi hay không? Mỗi lần coi tử vi, du khách phải trả từ 20-30 ngàn đồng, cộng thêm tiền mua sách, phải tốn 50-60 ngàn đồng. Ấy là chưa kể những người tỏ vẻ là mình hào phóng, sẵn sàng bỏ ra hàng trăm ngàn đồng để được biết… tương lai.

Xem tử vi, bán sách bói toán là một dịch vụ không tốn nhiều vốn, không vất vả lại có lợi nhuận cao nên đã thu hút nhiều người tham gia dịch vụ này.

Vào đêm khuya, khi cơ quan chức năng, lực lượng bảo vệ ít hoạt động thì những điểm bói toán, xem tử vi và bán sách mê tín dị đoan này còn mở rộng "kinh doanh" tràn cả xuống mặt đường, "hành nghề" ngay cả trên những chiếc ghế đá đặt tại công viên ngã 6, trước cổng chùa Bà.

Trước cổng chùa Bà.

Chưa đến ngày tổ chức lễ hội nhưng từ đêm giao thừa Xuân Kỷ Sửu đến nay, các con đường dẫn vào đền Bà ở thị xã Thủ Dầu Một đã xuất hiện nhiều điểm giữ xe ôtô, xe gắn máy. Ngoài việc các điểm dịch vụ giữ xe tư nhân sẵn sàng "chặt đẹp" du khách, các điểm kinh doanh nhang đèn, hàng mã cũng thừa cơ… hốt bạc.

Du khách vào chùa xin lộc, cầu may chí ít cũng phải mua nén hương, miếng trầu để cúng Bà. Một cây nhang đại giá chỉ khoảng 10 ngàn đồng nhưng khi cần, du khách cũng phải bấm bụng mua tới giá 200-300 ngàn đồng, nếu không mua thì sẽ "có chuyện" chẳng lành.

Cũng chỉ vì không chịu mua một cây nhang đại với giá 300 ngàn đồng, lúc 2h ngày 3/2 (mùng 9-1 âm lịch), anh Trần Văn Hải - một du khách ở TP HCM đã bị một số đối tượng bán nhang trước cổng chùa Bà tấn công, nhờ có lực lượng bảo vệ kịp thời phát hiện ngăn chặn nên không xảy ra sự cố đáng tiếc.

Khu vực xung quanh chùa Bà, đến trưa 4/2 (mùng 10-1 âm lịch) có khoảng 30 điểm lớn và hàng trăm điểm nhỏ kinh doanh nhang đèn, các loại hàng mã. Với quan niệm: Nhang đèn, hàng mã là những đồ cúng thiêng liêng nên du khách khi mua, nói sao trả vậy, ít người trả giá, kỳ kèo nên mặc sức những người bán thét giá… trên trời.

Đi chùa cầu may đầu xuân, ngoài các loại nhang đèn, hàng mã, bông hoa, du khách thường tìm mua các loại "chuông đồng khánh bạc", "cành vàng lá ngọc", dây treo "vạn sự như ý", vàng thỏi, dây đeo… được làm bằng các loại giấy kiếng, xem như kỷ vật đầu xuân, mang lộc về nhà thì có giá… vô chừng.

Điều khó chịu nhất đối với du khách là sự nài nỉ, chèo kéo xấn xổ của những người bày bán nhang đèn ngay trước cổng chùa. Chị Lâm Thị Hồ - một du khách ở quận 5, TP HCM phàn nàn: "Năm nào tôi cũng đi chùa Bà Bình Dương nhưng chưa năm nào lại gặp nhiều cảnh bực mình như năm nay. Gửi xe thì giá quá cao, mua nhang đèn, bông hoa vào cúng Bà thì giá… trên trời. Bực bội nhất vẫn là cảnh người bán đi theo chèo kéo, năn nỉ, văng tục. Không mua thì họ xúm lại gây gổ. Mua thì được người nọ lại mất người kia cũng dễ xảy ra xích mích… Nếu Ban tổ chức không kịp thời chấn chỉnh ngay, sang năm chắc chắn sẽ còn ít người dám đến với chùa Bà".

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Quang - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cường, Phó ban Tổ chức lễ hội chùa Bà cho biết: "Đối với những người bán buôn nhỏ lẻ ở chùa thì việc kiểm soát, quản lý cực kỳ khó khăn. Khi lực lượng kiểm tra có mặt thì họ tỏ ra buôn bán rất đàng hoàng nhưng khi lực lượng kiểm tra không có mặt thì việc buôn bán xô bồ, mất trật tự, quấy nhiễu du khách ngay".

Đã từ lâu, lễ hội chùa Bà ở Bình Dương trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng người Hoa và người Việt. Lễ hội năm nay ước tính sẽ có rất nhiều du khách ở các tỉnh, thành trong cả nước về tham gia.

Để lễ hội chùa Bà ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là một nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng, bảo đảm ANTT, ngay từ bây giờ, ngành chức năng và chính quyền các cấp ở thị xã Thủ Dầu Một, cũng như tỉnh Bình Dương cần sớm chấn chỉnh các dịch vụ ăn theo, đừng để những cảnh tượng làm xấu đi nét văn hóa vốn tốt đẹp của lễ hội chùa Bà

Ngọc Ánh

http://ca.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=141169

 

Lễ hội, trước hết phải là văn hóa


 

ND - Nhìn vào khung cảnh trẻ già trai gái nô nức rủ nhau đi hội mùa xuân trong những ngày vừa qua, không thể không đặt ra câu hỏi: Phải chăng đôi câu lục bát Tháng Giêng là tháng ăn chơi - Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè đã ngấm vào "máu" của nhiều người?

 

Chẳng thế mà ngay sau Tết, trên các quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đưa tới các điểm tổ chức lễ hội luôn thấy lũ lượt xe máy, ô-tô chở người đi hội, thậm chí khách hành hương còn cắm lên mui xe chiếc cờ lễ hội bay phấp phới, như để quảng bá một thông điệp rằng: Chúng tôi đang du xuân! Mà xe nào cũng thế, khi đi thì ngổn ngang gà rượu, hương hoa, vàng mã,... khi về thì mọi người cùng nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa mấy "cành lộc" chế tác bằng giấy trang kim óng ánh vàng.

 

Chưa biết họa - phúc ra sao, chưa biết may - rủi thế nào, nhưng bằng vào những nụ cười tươi rói, hể hả cho dù đầu tóc có tả tơi, áo quần có xộc xệch, chân tay có bê bết bùn đất, thì niềm vui sau ngày "đi lễ cầu may" dường như có phần làm nhiều người phấn chấn.

 

Mấy năm trước, tôi dự hội Roóng Poọc ở Tả Van - Sa Pa (Lào Cai). Ðường từ Sa Pa vào Tả Van hơn chục cây số, đến Bãi Ðá cổ thì rẽ. Tiết tháng giêng, trời rét đậm. Sương mù giăng giăng. Mây trắng như bông, dập dềnh che kín hết các thung lũng sâu hàng mấy trăm mét dọc theo đường đi. Ðường đẹp và rộng, cảm giác ghê ghê mỗi khi ngó xuống vực như không còn. Người nào tâm hồn bay bổng có khi lại thấy nên thơ, vì núi rừng hùng vĩ, dãy Hoàng Liên Sơn trập trùng, đỉnh cao chót vót nối tiếp nhau, mờ mờ tỏ tỏ trong mây. Nhìn xuống thung lũng, thi thoảng lại thấy một hai bản làng, có bóng nhà sàn, có dòng suối bạc uốn quanh, có trâu bò đang gặm cỏ và bóng thiếu nữ áo chàm, váy hoa lúi húi trên các thửa ruộng.

 

Tả Van nằm bên sườn núi, đường vào bản không biết có từ bao đời, đá lát đường đã nhẵn mòn. Trong bản, nhà cửa của người Giáy xây cất khá đặc biệt, vừa thoáng vừa ấm, có bếp lửa bập bùng...

 

Lễ hội Roóng Poọc tổ chức giữa những thửa ruộng bậc thang, ồn ào náo nhiệt, nhưng vẫn giữ nguyên dáng vẻ thuần khiết của ngày lễ, ngày vui. Hội do người Giáy tổ chức nhưng người Mông, người Dao, nhiều tộc người khác cũng đến.

 

Ai tham dự dựng cây nêu người ấy sẽ được may mắn, nghe các cụ trong bản bảo vậy. Mâm cúng trên gò đất giữa cánh đồng xem ra cũng đơn sơ, có xôi mầu, trứng mầu, cùng vài ba nông sản khác. Sau lễ là các trò chơi, vui và hấp dẫn. Tuyệt nhiên không có tiếng loa phát nhạc xập xoèng, không có "vui chơi có thưởng". Hàng hóa bán trong ngày hội được mang từ bản ra, mấy lù-cở chất đầy lạc rang, rồi bánh chưng gói như bánh giò dưới xuôi, có loại bánh tôi không biết tên, trắng tinh và xốp nở như bánh bò như các "chú khách" vẫn bán rong ở Hà Nội ngày trước. Ai đói thì mua, ăn xong lại vào chơi. Cuối ngày mọi người ra về, hồ hởi đúng là như đi hội.

 

Kể về lễ hội Roóng Poọc vì tôi muốn nói rằng, ở lễ hội này, nguồn gốc dân gian và chức năng giải tỏa, vui chơi ở chỗ đông người đã được thực hiện khá hiệu quả.

 

Ðiều đó rất khác biệt với tình trạng ở nhiều lễ hội miền xuôi, nơi mà cái "linh thiêng" xem ra đang giữ vị trí vượt trội. Bởi nơi nào được đồn đại là "linh thiêng" thì mọi người kéo đến càng đông và các giai thoại về may mắn, về phù hộ, về ăn nên làm ra được kể lại y như thật, cứ như người kể là người trong cuộc hoặc mắt thấy tai nghe.

 

Ðối với nhiều người lâu nay thì việc dự lễ hội có mục đích rất rõ ràng, khấn vái cầu may là chính, vui chơi là phụ. Cho nên "trung tâm thiêng" của các lễ hội bao giờ cũng đông nghẹt những người là người. Với tình trạng này thì từ đền Bà Chúa Kho ở phía bắc đến đền Bà Chúa Sam ở phía nam cũng đều tương tự như nhau.

 

"Cướp lộc" ở Ðền Sóc, "cướp ấn" ở đền Ðức Thánh Trần,... trở thành bằng chứng chứng minh cho nguyên lý sinh tồn của kẻ mạnh. Không chút xót thương đối với người cao tuổi, không quan ngại khi thấy trẻ em kêu la inh ỏi, các khách hành hương trẻ tuổi và khỏe mạnh cố trèo lên đầu lên cổ người khác, giẫm đạp lên người khác, mạnh ai nấy cướp, cướp càng nhiều càng tốt... làm cho hình ảnh hồn hậu, chất phác trong lễ hội làng xã ngày trước bị xóa nhòa vì thói tư lợi, ích kỷ của hậu thế.

 

Xưa kia, như trong tục "cướp bánh dày" của người Việt chẳng hạn, gọi là "cướp" chứ thật ra không phải là "cướp" theo nghĩa đen của từ này. Bởi đi cùng với tục "cướp" ấy là một luật tục bất thành văn, có liên quan tới đạo lý. Từ đó suy ra, xem chừng cái gọi là sự liêm sỉ của một số người đến dự lễ hội bây giờ cũng mỏng mảnh. Chẳng thế mà tôi đã thấy nhiều cụ ông, cụ bà lắc đầu và thở dài chán nản khi chứng kiến những điều lố lăng, những hành vi "báng bổ" mà lớp con cháu đã trình diễn trước cửa đền chùa. Thời các cụ đâu có thế, vì lẽ đơn giản là các cụ đến đình chùa như đến với niềm vui văn hóa, cầu mong may mắn thật sự là cầu mong chân thành theo nguyên lý "ở hiền gặp lành", chứ không phải là mục đích tối hậu như một số người hôm nay đã "lập trình" từ trước ngày đi lễ.

 

Nhiều lễ hội truyền thống đang nảy sinh các biến thái phức tạp, đó là sự thật. Và có lẽ ở một số lễ hội, vai trò của cơ quan văn hóa cũng mờ nhạt, người ta chỉ thấy sự có mặt của nhân viên công quyền qua tiếng còi tuýt tuýt của mấy anh đeo băng đỏ đang cố thu xếp sao cho bãi đỗ càng chứa được nhiều xe càng tốt, còn ngoài ra, mọi sự hầu như thả nổi. Ai muốn bán gì thì bán, ai muốn bịp gì thì bịp, thậm chí là công khai đổi tiền lẻ với tỷ lệ 70% cũng chẳng sao.

 

Lễ hội nào cũng thấy "vui chơi có thưởng" với lời quảng bá dẻo quẹo đầy mờ ám. Rồi phá cờ thế ăn tiền. Rồi trò đỏ đen sấp ngửa. Rồi mấy ông bà "giả Mường" nói tiếng lơ lớ bày bán các bài thuốc kỳ bí, để khi hội tan thì nhanh chóng kéo vào quán nhậu, trở lại với "gốc gác" người Kinh, nói cười hỉ hả...

 

Chưa nói đến đội quân của những người khấn thuê, viết sớ thuê, bày mâm lễ thuê hoặc bán luôn cả mâm lễ đã bày sẵn. Nghĩa là khi hoạt động kinh doanh, kiếm chác hoành hành trong lễ hội thì kinh tế "lên ngôi" và văn hóa như bị hạ giá. Khi chính quyền địa phương, ban tổ chức quan tâm nhiều hơn tới các khoản lệ phí, các khoản thuế thu được thì dường như cũng chẳng mấy ai mặn mà với việc giúp cho khách hành hương được vui chơi giải trí, được bày tỏ lòng ngưỡng mộ thành kính với các tiền nhân đã có công với nước, với dân một cách chân thành. Vậy là giấc mơ về "lộc thánh" và những may mắn sẽ đến mà không phải làm việc của "con nhang, đệ tử" đã có cuộc gặp gỡ sực nức mùi mua bán với những người lấy đền thờ thần thánh làm chốn mưu sinh.

 

Nói đến lễ hội bây giờ, cũng phải kể tới kiểu loại lễ hội liên quan tới việc khuếch trương du lịch. Nào lễ hội biển. Nào lễ hội trà. Nào lễ hội hoa. Nào lễ hội ẩm thực... Tất cả đều được tổ chức theo những kịch bản na ná nhau và thường thấy có nón trắng, có chân tay luỳnh khuỳnh, có phất cờ chạy vòng tròn và bao giờ cũng có đội trống gõ thì thùm. Ấy là chưa kể đôi khi còn có cả ánh đèn la-de lóe sáng, những màn đốt pháo bông rực rỡ hoặc đống lửa bập bùng nồng nặc mùi dầu ma-dút.

 

Những lễ hội như thế thường khuấy động không khí của tỉnh lỵ nào đó trong vài ba ngày với tâm điểm là một hội chợ quảng bá mọi thứ hàng hóa. Ðể cuối cùng, lễ hội tan thì mọi thứ cũng tan theo và vĩ thanh duy nhất của các lễ hội như thế có lẽ là ở màn quyết toán.

 

Lễ hội dù truyền thống hay hiện đại cũng là ngày vui dành cho mọi người, nó trước hết là một tập hợp của những hành động văn hóa. Bởi thế dù mục đích kinh tế hay du lịch có được đặt lên hàng đầu thì mục đích ấy vẫn phải đặt trên nền tảng của văn hóa.

 

Trong bản chất của nó lễ hội không bao giờ mang tính thực dụng, là nơi mà con người có thể giao hòa với thế giới, với xã hội, với người khác một cách hồn nhiên và vô tư nhất. Tình trạng bát nháo ở một số lễ hội hiện nay có lẽ là hệ quả của những quan niệm chưa đúng mức, là sự gặp gỡ một cách tiêu cực giữa nhu cầu tìm sự may mắn từ "thế giới linh thiêng" với những kẻ "buôn thần, bán thánh".

 

Do đó, để giải quyết tình trạng kể trên, hiển nhiên không thể bỏ qua bất cứ một yếu tố nào từ nơi tổ chức, người đi lễ hội đến những người trục lợi từ lễ hội. Chỉ có giải quyết một cách đồng bộ như thế thì mỗi khi xuân về chúng ta mới có những lễ hội lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu tinh thần - thẩm mỹ của công chúng.

 

NGUYỄN HOÀ


http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=43&sub=78&article=118145

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org